(MPI) – Ngày 27/10/2017, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi tiếp xã giao bà Christiana Figueres, Lãnh đạo Khí hậu của Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch sáng kiến toàn cầu Nhiệm vụ 2020 về các nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện Thỏa thuận Pa-ri, đề xuất các nhu cầu về tài chính và các hành động hợp tác để tiếp cận các nguồn tài chính tiềm năng.
|
Toàn cảnh buổi tiếp |
Tại buổi tiếp, bà Christiana Figueres đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế, chúc mừng Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và hướng tới trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, đồng thời cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện Thỏa thuận Pa-ri.
Theo bà Christiana Figueres, năng lượng là yếu tố xương sống để phát triển các ngành công nghiệp và hiện nay trên thế giới có rất nhiều công nghệ sản xuất năng lượng, đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam có thể đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nếu Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này cách đây 20 năm thì sẽ gặp khó khăn do công nghệ còn lạc hậu và chi phí đầu tư cũng như vận hành còn khá tốn kém. Trong 10 năm qua, chi phí vận hành khai thác các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo đã rẻ hơn đến 90% và ngày càng rẻ đi cũng như hoàn toàn có thể dự đoán được các khoản chi phí này đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để xây dựng các nhà máy phát điện không chỉ ở trên đất liền mà thậm chí cả ngoài khơi tiến tới Việt Nam sẽ trở thành một nước tự chủ về năng lượng, không phải nhập khẩu. Việc chuyển đổi từ khai thác các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện và nhiệt điện sang phát triển năng lượng sạch và bền vững sẽ mang tính bước ngoặt góp phần thực hiện phát triển bền vững. Các ngân hàng phát triển của EU, Mỹ… cũng mong muốn giúp Việt Nam thực hiện quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và bà cũng sẽ trao đổi với các tổ chức tài chính quốc tế để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án về năng lượng với xu thế quốc tế hiện nay là sẽ không tiếp tục tài trợ cho phát triển điện than mà sẽ chuyển dịch đầu tư sang năng lượng tái tạo (hiện trên thế giới cũng chỉ còn một vài nước đầu tư cho khai thác than vì có năng lực xuất khẩu than). Chỉ riêng năm 2016, đã có 320 tỷ Đô la được đầu tư cho năng lượng tái tạo và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 1.000 tỷ Đô la được đầu tư để phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn những thông tin chia sẻ của bà Christiana Figueres và cho biết, Việt Nam đang nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện Thỏa thuận Pa-ri. Việt Nam đang phát triển dựa trên ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường với các mục tiêu là đảm bảo an ninh, xóa đói giảm nghèo, lương thực và nước sạch bên cạnh hai thách thức chính là biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế (hay sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng) trong khi các thách thức luôn có sự mâu thuẫn và ảnh hưởng đến môi trường và xã hội trước đòi hỏi phải phát triển nhanh và bền vững mà Việt Nam phải hài hòa được các yếu tố về môi trường và xã hội. Do đó, Việt Nam đã lựa chọn thực hiện tăng trưởng xanh để đảm bảo phát triển ổn định và bền vững, nghiêm túc thực hiện các Công ước quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Quan điểm về xanh của Việt Nam là xanh về ý thức của con người, môi trường, khí hậu, giảm phát thải, ít tiêu hao năng lượng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên được thể hiện thông qua việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, để phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam cần chuẩn bị tốt khung pháp lý, các chính sách và chiến lược phát triển điện gió và điện mặt trời. Hiện đầu tư cho phát triển năng lượng đòi hỏi chi phí cao, nhà nước vẫn phải bù giá cho phát triển năng lượng. Trên thế giới có nhiều mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, đó là yếu tố đầu ra của một lĩnh vực sản xuất sẽ trở thành đầu vào của một lĩnh vực sản xuất khác như ở các nước Bắc Âu hoặc ở châu Á là Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã có những bài học về môi trường liên quan đến thủy điện và nhiệt điện như phải giảm diện tích rừng, di cư và tái định cư, tác động của dòng chảy từ thượng lưu đến hạ lưu của các con sông, ô nhiễm môi trường, xử lý xỉ than hay việc nhập khẩu than đá làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch, v.v, đây cũng chính là những lý do để Việt Nam chuyển đổi sang phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam chỉ xem xét phê duyệt các dự án thủy điện phù hợp với quy hoạch chung và sẽ không cấp phép cho xây dựng thủy điện nhỏ. Một tín hiệu đáng mừng là chi phí vận hành cho khai thác năng lượng tái tạo giảm sâu nên Việt Nam sẽ điều chỉnh các chính sách để giảm chi phí bù giá điện từ ngân sách nhà nước và khuyến khích để phát triển cho lĩnh vực này. Những yếu tố đã nêu được phản ánh trong Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh). Việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đang gặp phải một số khó khăn cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ đó là kinh nghiệm, bài học, kiến thức để thực hiện nhanh và hiệu quả hơn./.
Bà Christiana Figueres là một nhà lãnh đạo quốc tế về biến đổi khí hậu, bà từng là Thư ký Điều hành của Công ước khung LHQ về BĐKH (UNFCCC) những năm 2010-2016. Sau Hội nghị Copenhagen năm 2009, bà đã chỉ đạo quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý thống nhất và thực hiện thành công Hội nghị Các bên tham gia về BĐKH của LHQ tại Cancun 2010, Durban 2011, Doha 2012, Warsaw 2013, Lima 2014 và Thỏa thuận Paris 2015. Bà Figueres đã huy động sự tham gia của các quốc gia, các tập đoàn kinh tế, cộng đồng, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp công nghệ, các tổ chức phi chính phủ và các nghị sĩ để cùng đạt được một thoả thuận chung về BĐKH.
Hiện bà là Chủ tịch của Mission 2020 và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch của Thỏa thuận Thị trưởng Toàn cầu, Trưởng ban Khí hậu của Ngân hàng Thế giới, Thành viên của Tổ chức Khí hậu và Viện Nguồn lực Thế giới, v.v. Bà cũng đã được các quốc gia và tổ chức quốc tế trao tặng nhiều huân, huy chương và danh hiệu cao quý với những đóng góp to lớn của bà trong lĩnh vực BĐKH toàn cầu.
Trong chuyến công tác tại Việt Nam vào cuối tháng 10 năm 2017, bà đã có các buổi làm việc với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và cơ quan Liên hợp quốc tại Hà Nội về hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, ứng phó với BĐKH, đầu tư phát triển năng lượng sạch & năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh. |
Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư