Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/11/2013-10:34:00 AM
Doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo gắn với tiêu thụ, nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL bắt tay nhau xây dựng cánh đồng mẫu lớn ngay từ vụ đông xuân 2013-2014.
Tại Vĩnh Long, năm 2013, toàn tỉnh có 1.682ha cánh đồng mẫu lớn (CĐML). So với ruộng lúa thường, CĐML đã giúp tăng lợi nhuận sản xuất lúa bình quân lên 3,792 triệu đồng/ha. Trên cơ sở đó, tỉnh dự kiến năm 2014 mở rộng thêm 1.300ha, nâng tổng diện tích CĐML toàn tỉnh lên gần 3.000ha.
Trong khi đó tại Cần Thơ, trong vụ đông xuân 2013-2014 tỉnh dự kiến mở rộng CĐML sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên 14.000ha, tăng gấp đôi diện tích hiện nay.
Tương tự ở Kiên Giang, theo Sở NNPTNT tỉnh, vụ lúa Đông Xuân này tỉnh dự kiến xây dựng 14 mô hình CĐML sản xuất lúa theo hướng VietGAP với quy mô diện tích 1.524ha. Bên cạnh đó, Kiên Giang còn thực hiện đề án phát triển vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu với diện tích khoảng 90.000ha ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá.
Điểm mới trong các kế hoạch này là có sự gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, từ việc cung cấp giống, vật tư đầu vào đến bao tiêu sản phẩm.
Vĩnh Long có 14 DN đăng ký tham gia xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, CĐML trên tổng diện tích 46.428ha, chiếm hơn 50% diện tích lúa vụ đông xuân. Sau khi phân vùng, các DN đăng ký tham gia sẽ cung cấp vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường từ 100-200 đồng/kg.
Tỉnh Tiền Giang cũng có chủ trương mở rộng quy mô CĐML, trong đó DN hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa với giá hợp lý, có lãi cho nông dân. Ngay trong vụ đông xuân 2013-2014 tới, địa phương này có kế hoạch hợp tác với 10 DN trong và ngoài tỉnh mở rộng diện tích CĐML lên gần 3.000ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Hiện nay, tỉnh đang tập trung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, giao thông vào các CĐML và xây thêm kho chứa.
Nhằm mục đích ổn định thị trường đầu ra cho nông dân trồng lúa, tạo thương hiệu lúa gạo xuất khẩu (XK), UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng vùng lúa nguyên liệuXK gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Theo đó, yêu cầu bắt buộc là DN tham giaXK phải xây dựng vùng nguyên liệu của riêng mình. Phương án liên kết giữa DN XK gạo và người SX lúa trên cơ sở liên kết “4 nhà”. Các DN sẽ liên kết với tổ hợp tác hoặcHTX theo hình thức và nội dung mô hình CĐML để đầu tư SX và tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân.
Trong hợp đồng quy định DN ký hợp đồng tiêu thụ với tổ hợp tác hoặcHTX theo một trong các hình thức: Ứng trước vốn, vật tư và giống, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại lúa gạo; bán vật tư và giống thu tiền và mua lại lúa gạo; hợp đồng tiêu thụ lúa gạo theo hình thức đặt hàng. Hợp đồng tiêu thụ lúa cần xác định mua lúa theo giá sàn hoặc giá thị trường, phương thức giao nhận, kèm theo yêu cầu chất lượng gạo… Còn đối với HTX, tổ hợp tác có trách nhiệm vận động xã viên, tổ viên tham gia và thực hiện hợp đồng; thực hiện các điều khoản trong hợp đồng về ứng vốn trước hoặc mua vật tư, cơ cấu giống, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, giá cả, phương thức giao nhận và thanh toán.
Trên cơ sở quy hoạch vùng lúa nguyên liệuXK giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch triển khai chương trình xây dựng CĐML, đến nay ngành chức năng đã giao cho 9 DN đầu mốiXK gạo trên địa bàn tỉnh, mỗi DN từ 500-3.000 ha, tùy năng lực.
Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT, vụ Đông Xuân 2013-2014, các tỉnh phía Nam sẽ có khoảng 200.000ha tham gia mô hình CĐML, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2013. Sau đó, qua từng năm, sẽ tăng dần lên để tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu đạt quy mô 1 triệu ha và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 3393
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)