(MPI) – Ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo Nghị quyết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đó là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng bảo vệ đất nước và đặc biệt là con người.
Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đồng thời, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; Nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Công. Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bảo đảm sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng cũng như sự liên kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mê Công.
Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long vì lợi ích chung của đất nước, Tiểu vùng sông Mê Công và quốc tế. Đây là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển.
Về chủ trương và định hướng chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long,mô hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân; Chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái của Vùng.
Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng. Đồng thời, chú trọng việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra.
Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên; Kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống, bảo đảm tính ổn định và sinh kế của người dân; Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng thời, tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường hợp tác liên kết phát triển. Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, ưu tiên các công trình cấp bách, có tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Phát huy tiềm lực, tăng cường thực lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mê Công trên cơ sở cùng có lợi thông qua các sáng kiến hợp tác vùng và hợp tác song phương nhằm cùng nhau sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan trong lưu vực sông Mê Công.
Trong những nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành, trên cơ sở quy hoạch các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước quý III năm 2020. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng, nông sản, thủy sản của vùng.
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng chính sách khuyến khích phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long với quy mô toàn vùng, liên ngành, có tính dài hạn đến năm 2030 và xa hơn để thúc đẩy phát triển giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12/2018. Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng, kết hợp phát triển du lịch như: cơ chế vay vốn, phát hành trái phiếu, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)… theo quy định của pháp luật. Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết hợp giao thông, thủy lợi, sử dụng thông minh nguồn nước, hạn chế tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, các thiên tai liên quan đến nước. Tập trung xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm sử dụng hiệu quả số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhất là đối với các dự án kiểm soát mặn, kiểm soát lũ, xử lý các đoạn sạt lở xung yếu, các công trình giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, các đối tác phát triển và định chế tài chính khác; Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư hiện có để xây dựng hệ thống cống điều tiết lũ, ngăn mặn, khắc phục các đoạn sạt lở nghiêm trọng, trực tiếp gây ảnh hưởng đến nhà cửa của nhân dân và bảo vệ đất, rừng ngập mặn ven biển./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư