Ngày 6/12, tại Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức họp báo "Tại sao Nhật Bản là điểm đến đầu tư hấp dẫn”. Khác với nhiều cuộc xúc tiến đầu tư đầu tư trước đây với mục đích kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, họp báo lần này được tổ chức để thông tin chi tiết “Chương trình hỗ trợ các DN Việt Nam đầu tư ngược lại Nhật Bản”, một xu hướng còn khá lạ lẫm với các DN nội.
|
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội. Ảnh: VGP/Thu Hương |
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại trên 30 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2017, Nhật Bản đứng thứ 2 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,07 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo số liệu của JETRO, hiện nay, Việt Nam có 1.253 dự án tại 74 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư lên tới 21,4 tỷ USD, nhưng chủ yếu vẫn ở các nước gần như Lào, Campuchia… và phần lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đối với thị trường Nhật Bản, các nhà đầu tư Việt Nam dường như chưa có nhiều sự tiếp cận khi mới chỉ có 49 dự án đang hoạt động với kim ngạch đầu tư khiêm tốn 7,5 triệu USD.
Tại buổi Họp báo, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, cơ hội và tiềm năng cho các DN Việt Nam vào Nhật Bản còn rất lớn trong bối cảnh hội nhập và hợp tác ngày càng sâu và rộng giữa hai nước. Hiện tại số lượng người Việt Nam sang Nhật học tập, làm việc đang đạt con số lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, khoảng cách địa lý, cùng thuộc khu vực Đông Á cũng là một lợi thế nổi bật. Hơn nữa, môi trường đầu tư kinh doanh của Nhật Bản gần như đã hoàn thiện, rất thuận lợi cho các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chia sẻ về 5 lý do để Nhật Bản trở nên “hấp dẫn” trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện JETRO cho biết, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Nhật Bản trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách cải thiện để phục hồi nhanh chóng nền kinh tế, một trong số đó là chương trình giảm thuế TNDN cho các DN nước ngoài.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng thay đổi nhiều chính sách thu hút các DN FDI, hình thành đặc thu kinh tế cho DN nước ngoài với nhiều ưu đãi, đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho DN.
Bên cạnh đó, thị trường Nhật là thị trường rất lớn, đầy tiềm năng. Hiện GDP đang đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ riêng vùng Kanto (có Thủ đô Tokyo) tổng GDP đã tương đương với GDP toàn nước Nga. Hay như vùng đảo nhỏ Shikoku, GDP cũng tương đương với cả nước Hungary.
Một lợi thế không thể bàn cãi, Nhật Bản là trung tâm cửa đổi mới, với số lượng nhà nghiên cứu đứng đầu trong các nước G7, nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel, đây là môi trường tốt cho các lĩnh vực liên quan đầu tư vào đổi mới và nhiều tiềm năng phát triển.
Môi trường kinh doanh là yếu tố mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng quan tâm trước khi ra quyết định đầu tư, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF, Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới và đứng đầu châu Á về năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo một nghiên cứu của JETRO, khoảng 80% trong số 197 DN nước ngoài đánh giá Nhật Bản là quốc gia có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng (giao thông, hệ thống logistics, thông tin, năng lượng…) cực tốt, sẵn sàng cho mọi hoạt động đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Đặc biệt, hệ thống vận tải ở Nhật được cải tạo, nâng cấp, bảo đảm giao thông thuận lợi, nhanh chóng, đúng giờ và an toàn gần như tuyệt đối.
So với giai đoạn trước, hiện Nhật Bản đã có rất nhiều ưu đãi chính sách hỗ trợ không chỉ riêng lĩnh vực sản xuất chế tạo, mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác trong danh mục đầu tư như nông nghiệp, vận tải, công nghệ thông tin…
Ngoài ra, tính khắt khe trong quy định và yêu cầu chất lượng của người tiêu dùng Nhật Bản cũng được ví như “lửa thử vàng”, “chắc chắn rằng những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của Nhật thì có thể phù hợp với yêu cầu của tất cả các nước khác”. Thực tế, hầu hết các DN lớn nước ngoài khi phát triển sản phẩm mới đều coi Nhật là thị trường đầu tiên trải nghiệm sản phẩm trước khi tung ra thị trường.
“Không chỉ đơn giản là môi trường kinh doanh, Nhật Bản còn là môi trường sống và sinh hoạt lý tưởng cho người nước ngoài”, ông Kitagawa nhấn mạnh.
Nhật Bản cũng được đánh giá là môi trường đáng sống khi có Chỉ số hòa bình cao nhất châu Á; tỉ lệ người sống thọ nhất trên thế giới, hệ thống chăm sóc y tế, giáo dục ngày càng phát triển và hoàn thiện.
Ông Kitagawa cho biết, thực tế, đã có nhiều DN Việt Nam đầu tư sang Nhật bước đầu gặt hái thành công đáng ghi nhận như Tập đoàn FPT hay CMC, “tôi mong rằng các DN và người dân VN có thể tận dụng thời điểm vàng này để đầu tư vào Nhật Bản”.
Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của các DN Việt, đại diện JETRO cho biết: “Điều đầu tiên có thể nhìn nhận Việt Nam có thế mạnh về lĩnh vực CNTT, bản thân các DN Nhật cũng nhìn nhận nhân lực trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam rất phát triển, chắc chắn sẽ có những thành công khi đầu tư sang Nhật”.
Tuy nhiên, ông cho rằng không nên gói gọn trong lĩnh vực CNTT, mà chỉ nên coi là thế mạnh bước đầu, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực khác như điều dưỡng, nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp của các bạn trẻ. Vì vậy, không nên định hướng tập trung đầu tư vào một lĩnh vực nào đó mà nên thử sức ở tất cả các ngành khi đầu tư sang Nhật.
Dành lời khuyên cho DN Việt để có thể cạnh tranh trong môi trường khắt khe như Nhật Bản, ông Kitagawa nhận định: “Về cơ bản chỉ cần các DN Việt tuân thủ các quy định pháp luật cũng như những văn bản hướng dẫn trên tinh thần pháp luật của Nhật Bản thì dường như không có bất cứ một rào cản nào trong đầu tư”.
Lượng người Việt đang học tập và làm việc tại Nhật tương đối nhiều, chỉ xếp sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Họ hiểu văn hóa, ngôn ngữ, lại có thể áp dụng, triển khai công việc theo phong cách của người Nhật. Các DN Việt Nam nếu tận dụng được lực lượng lao động này rất dễ thành công tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, DN Việt nên tích cực chủ động liên hệ với các tổ chức nước ngoài có các mối liên hệ với các DN Nhật Bản, thông qua đó, có thể gặp gỡ và trao đổi thông tin với các DN này, từ đó, tạo các mối liên kết và nền tảng cho mối quan hệ làm ăn sau này tại Nhật Bản./.
Thu Hương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ