(MPI) – Năm 2017, Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,81%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam Jonathan Dunn tham dự Tọa đàm |
Chia sẻ tại Tọa đàm “Việt Nam - Dấu ấn tăng trưởng 2017” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2017, Việt Nam có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ đó tạo nên nền tảng, niềm tin để Việt Nam vững bước vào năm 2018 cũng như các năm tiếp theo.
Việt Nam đã đạt và vượt kế hoạch 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực, tạo đà thuận lợi cho năm 2018, cũng như khả năng để thực hiện kế hoạch 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và để lại dấu ấn mạnh mẽ, nâng vị thế, uy tín của đất nước lên tầm cao mới trên trường quốc tế. Niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đang ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, Việt Nam đang còn đối diện với rất nhiều những thách thức, như tình hình kinh tế thế giới đang còn diễn biết phức tạp, khó khăn của nội tại nền kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, làm chậm lại mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đói nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, đặc biệt là trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam đã và đang chuyển hướng Nhà nước sẽ kiến tạo thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, từ đó đem lại niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn tham gia vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Hoặc coi nguồn lực Nhà nước mang tính dẫn dắt, định hướng và nguồn lực của toàn xã hội, đặc biệt là nội lực trong Nhân dân và từ doanh nghiệp là chủ yếu, nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài là nguồn bổ sung quan trọng.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến quan ngại về việc đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện. Trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy nội lực trong nước, Việt Nam cần khai thác sự dụng hiệu quả nguồn lực nước ngoài.
Để thu hẹp được khoảng cách giữa khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cần có các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, tiệm cận dần đến doanh nghiệp nước ngoài và gắn kết chặt chẽ được với nhau, tận dụng và bổ sung cho nhau để cùng phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tạo ra nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm cụ thể hóa được các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, với 9 nhóm giải pháp trọng tâm, 59 nhiệm vụ giải pháp cụ thể và 242 nhiệm vụ chi tiết giao cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Với phương châm hành động của Chính phủ năm 2018 là “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”, thể hiện một tư tưởng hành động, chỉ đạo của Chính phủ phải lấy kỷ cương, liêm chính làm nền tảng và phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, phải đổi mới sáng tạo nhiều hơn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư