Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/01/2018-09:16:00 AM
Tăng cường tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô
(MPI) - Ngày 11/01/2018, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Tổ Công tác liên Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo được trình bày tại cuộc họp, năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, đồng đều ở các khu vực kinh tế, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%, bội chi ngân sách ở mức thấp, khoảng 3,5% so với GDP. Thị trường tiền tệ ổn định, tín dụng tăng trưởng tốt, đạt khoảng 18,17%, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục trong năm 2017 và tiếp tục tăng mạnh trong đầu năm 2018, đạt khoảng 53 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 5,9% so với dự toán. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt khoảng 214 tỷ USD, là mức tăng cao nhất từ nhiều năm qua. Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 127 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực.

Về tình hình kinh tế năm 2018, trên nền tăng trưởng kinh tế của năm 2017, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,7%. Để đạt được mục tiêu này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đạt tăng trưởng 3,0%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,67%, khu vực dịch vụ đạt 7,39%.

Trong năm 2018, dự kiến nền kinh tế sẽ tiếp tục nhận được động lực tăng trưởng từ các yếu tố hỗ trợ tích cực như: đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc của nhiều doanh nghiệp, khả năng thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài,…

Về kiểm soát lạm phát, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Về hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2018 được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hỗ trợ tích cực từ triển vọng lạc quan của nền kinh tế toàn cầu và các hiệp định FTA đã và đang được thực thi. Tuy nhiên, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cần gắn liền với nâng cao chất lượng xuất khẩu, nâng cao hàm lượng gia tăng trong giá trị xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào FDI, do vậy, về lâu dài cần có biện pháp nhằm tập trung tăng trưởng xuất khẩu vào các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu cần gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Về cân đối ngân sách nhà nước, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều cho hạ tầng kinh tế - xã hội để hỗ trợ tăng trưởng, việc kiềm chế tốc độ tăng nợ công phải gắn với giải pháp duy trì, bảo đảm tốc độ tăng đầu tư.

Về điều hành chính sách tiền tệ, năm 2018, Chính phủ xác định tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối lãi suất vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ. Đồng thời, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, ổn định và phát triển thị trường ngoại tệ, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những tháng đầu năm, tập trung vào các giải pháp trung và dài hạn. Cụ thể như: giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh mở rộng thị trường, kiểm soát nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại, các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế, giải pháp đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành,…Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận về những tồn tại, hạn chế trong trong triển khai công tác phối hợp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và các giải pháp căn bản nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của cơ chế phối hợp của Tổ Công tác liên Bộ.

Đánh giá về công tác phối hợp của Tổ Công tác liên Bộ trong năm 2017, các đại biểu cho rằng, việc tiếp tục tổ chức họp định kỳ theo Quy chế phối hợp trong quá trình quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý, điều hành. Từ đó, đưa ra những nhận định đúng về diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước cũng như dự báo, đánh giá đầy đủ, chính xác hơn về tác động đến kinh tế Việt Nam.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu và nhấn mạnh, trong thời gian tới, Tổ Công tác liên Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước trong từng thời kỳ. Tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tăng khả năng dự báo được để góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2377
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)