(MPI) - Đây là chủ đề của Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2018 (VSF) diễn ra ngày 18/01/2018, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức. Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch AVSE Global Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Văn Hùng cùng đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà nghiên cứu, học giả, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ...
Diễn đàn VSF nhằm mục tiêu mang đến cơ hội trao đổi kịp thời và có giá trị cho những bên liên quan, từ những nhà nghiên cứu, học giả cho đến những nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, để cùng nhau thảo luận những ý tưởng, biện pháp và xu hướng toàn cầu vì một xã hội phát triển bền vững nói chung và những đặc điểm của Việt Nam nói riêng.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội là những trụ cột chính của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này khi có sự chung tay của tất cả các quốc gia.
Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả của hơn 30 năm “Đổi Mới” đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam theo đuổi mục tiêu Phát triển thịnh vượng đi đôi với công bằng xã hội. Hơn 30 năm “Đổi Mới” đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
Đặc biệt, năm 2017, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong vòng 10 năm qua và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, chất lượng tăng trưởng đã từng bước được cải thiện, mô hình tăng trưởng đang chuyển đổi theo hướng giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt. Năm 2017 cũng đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng đi đôi với bền vững môi trường và hòa nhập xã hội trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, tận dung cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện một số các giải pháp như: Tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, cũng như phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị. Bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội, chú trọng phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận về các chủ đề chính: Tăng trưởng kinh tế bền vững và hòa nhập xã hội: Các thách thức, mô hình và lộ trình; Các sáng kiến về đầu tư và tài chính cho phát triển bền vững; Các xu hướng gần đây về đổi mới và công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược phát triển đặc khu kinh tế và hành chính bền vững giải quyết biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Những nội dung được cụ thể hóa các trụ cột của mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hòa nhập xã hội.
Các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ tiếp tục đóng góp vào việc hoạch định chính sách của Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030./.