Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/01/2018-09:33:00 AM
Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) – Ngày 12/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 63/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025.

Nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư công

Theo Đề án, cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư công và chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Đồng thời, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công. Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm trên 90%. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả, tính bền vững của đầu tư công.

Đồng thời, xác định rõ vai trò và định hướng đầu tư công theo nguồn vốn và các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước bình quân đạt khoảng 10-11% GDP. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút tối đa, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư.

Đề án quy định cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP), bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, lãnh thổ.

Đề án đưa ra định hướng đầu tư công theo nguồn vốn, cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn từ nguồn thu để lại nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước thì tập trung bố trí vốn để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư…

Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng… Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, tập trung đầu tư cho các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp của các thành phần kinh tế.

Đối với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bảo đảm đầu tư có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế, các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục…

Về định hướng đầu tư công theo vùng, lãnh thổ, Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm. Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tập trung ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng khung kết nối vùng với các tỉnh Tây Nguyên, Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. Vùng Tây Nguyên tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, quy hoạch và đầu tư thích đáng để phát triển hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã, buôn, làng có đường giao thông kiên cố đi lại cả bốn mùa, có hệ thống hạ tầng thiết yếu…

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý đầu tư công

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện ngay từ nay đến năm 2020 là khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt tại Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công.

Bên cạnh đó, thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn chặt chẽ với cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, quyết liệt thực hiện chủ trương giảm tỷ trọng đầu tư nhà nước, tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Đa dạng hóa các hình thức, kênh đầu tư và mô hình hợp tác nhằm huy động hiệu quả các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển, các vùng kinh tế động lực, một số ngành nghề trong lĩnh vực xã hội, xử lý môi trường bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công. Tăng cường quản lý đầu tư công. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý đầu tư công. Triển khai xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu dự án đầu tư công tập trung, thống nhất trên toàn quốc.

Đề án cũng quy định những nhóm giải pháp đến năm 2025, như: Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, đẩy mạnh thực hiện đột phí xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại. Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường công tác giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công….

Theo Đề án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong trường hợp cần thiết. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định.

Đồng thời, chủ trì, nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các nội dung, quy định còn vướng mắc của pháp luật về đầu tư công, về đấu thầu. Hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hình thức PPP. Nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo quy định. Tổ chức hướng dẫn thực hiện, theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án. Kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện Đề án cơ cấu lại đầu tư công với thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức thực hiện Đề án. Căn cứ mục tiêu, giải pháp của Đề án được phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành các kế hoạch, nhiệm vụ của mình, trong đó quy định lộ trình thực hiện đến từ nay đến hết năm 2025. Báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu cần thiết phục vụ công tác theo dõi, đánh giá việc thực hiện cơ cấu đầu tư công theo yêu cầu, bảo đảm tính chính xác và đúng quy định…

Kết quả thực hiện Đề án sẽ được đánh giá giữa kỳ vào Quý IV năm 2020 và cuối kỳ vào Quý IV năm 2025…/.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2395
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)