Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: MPI (MPI) – Ngày 19/01/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chủ trì Họp báo.
Đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp
Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy số lượng và lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp tiếp tục tăng qua 5 năm, trong đó, khối doanh nghiệp có mức tăng cao nhất. Tính đến thời điểm 01/7/2017, cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012 (706.000 đơn vị), mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức 5% của thời kỳ 2007 - 2012. Số lượng lao động trong các đơn vị là 26,9 triệu người, tăng 18,5% tương đương 4,2 triệu người so với năm 2012, tốc độ tăng bình quân hằng năm 3,4%, thấp hơn mức 6,7% của giai đoạn 2007 - 2012.
Trong đó, doanh nghiệp là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động. Cụ thể, tính đến ngày 01/01/2017, cả nước có 518.000 doanh nghiệp thực tế đang tồn tại, tăng 176.000 doanh nghiệp và gấp 1,5 lần so với năm 2012, trong đó có 505.000 doanh nghiệp thực tế hoạt động. Khối doanh nghiệp thu hút 14,1 triệu lao động, tăng 28,5% so với năm 2012, trong đó 14 triệu lao động thuộc các doanh nghiệp thực tế hoạt động. Thời kỳ 2012 - 2017, bình quân hằng năm số lượng doanh nghiệp tăng 8,7%, lao động tăng 5,1%.
Quy mô lao động bình quân chung của một đơn vị kinh tế tăng không đáng kể so với 5 năm trước đây nhưng giảm ở khối doanh nghiệp. Nhìn chung, lao động bình quân trên một đơn vị kinh tế thay đổi không đáng kể so với năm 2012 và có sự khác biệt giữa các đơn vị kinh tế và khối hành chính, sự nghiệp. Lao động bình quân một doanh nghiệp giảm từ 32 người xuống 27 người, trong đó doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước đều giảm tương ứng là 20 người và 3 người/doanh nghiệp. Riêng các doanh nghiệp FDI tăng bình quân 15 người/doanh nghiệp so với năm 2012. Khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều có sự giảm nhẹ. Khu vực dịch vụ phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng đơn vị, lao động của các ngành kinh tế và có số lượng doanh nghiệp lớn nhất với 362.000 doanh nghiệp, chiếm 70% tổng số doanh nghiệp, tăng 57% so với năm 2012, trong đó 354.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 61% so với năm 2012.
Doanh nghiệp và hợp tác xã
Số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI tăng, doanh nghiệp nhà nước giảm với tốc độ chậm. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có số lượng lớn nhất với 500.000, tăng 52,2% so với năm 2012 và mỗi năm tăng bình quân 8,7%. Số lượng doanh nghiệp FDI là 14.600, tăng mạnh nhất với 54,2% so với thời điểm 01/01/2012, bình quân hằng năm tăng 9,2%. Số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 2.701 doanh nghiệp, giảm 18,3% tương đương 607 doanh nghiệp so với năm 2012 do thực hiện chủ trương cổ phần hóa, bình quân mỗi năm giảm 3%.
Theo kết quả điều tra, khu vực kinh tế, lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất và có mức tăng cao nhất. Các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực công nghiệp và xây dựng hiện đang thu hút nhiều lao động nhất với 9,1 triệu người, chiếm 64,7% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp, tăng 28,4% so với năm 2012, bình quân giai đoạn 2012 - 2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 404.000 lao động.
Xét theo quy mô lao động, tại thời điểm 01/01/2017, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp lớn, tăng 29% và chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2012. Doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 74% tổng số doanh nghiệp. Đáng chú ý là tỷ trọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012, trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm cho thấy quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần.
Số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh, phù hợp với bối cảnh hội nhập, gia công hàng hóa với nước ngoài đóng góp lớn vào mức tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu 5 năm qua. Số lượng và lao động các hợp tác xã có xu hướng giảm trong những năm gần đây…
Trong năm 2016, khu vực doanh nghiệp tạo ra 17,45 triệu tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 1,7 lần năm 2011, bình quân 5 năm qua mỗi năm toàn bộ khu vực doanh nghiệp tạo ra thêm 11,9% doanh thu (thấp hơn mức tăng thêm 15,2% của vốn). Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có doanh thu đạt cao nhất với 9,76 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2016 khu vực này tạo ra thêm 11,9% doanh thu. Tiếp đến là khu vực các doanh nghiệp FDI tạo ra 4,81 triệu tỷ đồng, gấp 2,37 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2016 mỗi năm khu vực này tạo ra thêm 18,8% doanh thu. Thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 6,7% so với năm 2011.
Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản
Tại thời điểm 01/7/2017, cả nước có 5,14 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản (cơ sở cá thể), tăng 11,2% so với năm 2012 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 23,4% của năm 2012 so với năm 2007. Bình quân mỗi năm tăng 2,15%. Các cơ sở cá thể thu hút 8,7 triệu lao động, tăng 9% so với năm 2012. Mức tăng bình quân hằng năm thời kỳ 2012 - 2017 là 1,7%. Mức tăng, giảm khác nhau giữa các ngành: ngành xây dựng tăng 8,4%, thương mại tăng 12,8% và ngành dịch vụ khác tăng 22,7%, công nghiệp giảm 4,5% và số cơ sở hoạt động trong ngành vận tải, kho bãi giảm 4,5%.
Quy mô của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể vẫn rất nhỏ lẻ và có xu hướng giảm nhẹ so với trước. Số lao động bình quân trong một cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể năm 2017 là 1,68 lao động, thấp hơn mức 1,72 của năm 2012. Xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng là vùng có cơ sở cá thể lớn nhất, chiếm 26% số lượng và 27% lao động, tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 23% và 22%, Tây Nguyên vẫn là vùng có số lượng cơ sở cá thể thấp do số lượng và mật độ dân cư thấp, cơ cấu không thay đổi so với 2012.
Đơn vị hành chính sự nghiệp
Số lượng cơ sở và lao động của khu vực hành chính sự nghiệp tương đối ổn định và mức tăng thấp hơn năm 2012. Theo thống kê sơ bộ, tổng số đơn vị thuộc khối hành chính, sự nghiệp năm 2017 là 143,7 nghìn, tăng 2,3% so với năm 2012 và thấp hơn so với mức tăng 5,7% của năm 2012 so với năm 2007…
Cơ sở y tế, giáo dục phát triển mạnh do sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp. Tuy số lượng cơ sở y tế thuộc khối hành chính sự nghiệp không tăng nhưng đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế của các cơ sở công lập tăng 19,3% so với năm 2012. Trong 5 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động y tế tăng, nâng số cơ sở lên 1.523, tăng 74% so với năm 2012. Chưa kể các cơ sở cá thể hoạt động khám chữa bệnh có quy mô nhỏ, tổng số cơ sở khám chữa bệnh thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp là 15,2 nghìn cơ sở, tăng 3,6%, trong đó có 1.131 bệnh viện, tăng 6% so với năm 2012.
Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị hành chính sự nghiệp nâng lên nhưng tỷ lệ sử dụng máy tính và internet để cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức độ thấp.
Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng
Tại thời điểm Tổng điều tra cả nước có trên 42,7 nghìn cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, tăng 19,5% với 140,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại cơ sở tăng 7,9% so với năm 2012. Mặc dù số lượng tăng nhanh nhưng quy mô của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng còn nhỏ chỉ với 3,3 người/1 cơ sở giảm so với mức 3,6 người/1 cơ sở của năm 2012. Sự phát triển số lượng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta tôn trọng, tạo điều kiện phát triển cho hoạt động của mọi tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của Nhân dân.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả từ cuộc Tổng điều tra này cơ bản phác họa bức tranh đầy đủ về sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, kết quả đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương qua 5 năm, làm cơ sở cho các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư