Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/02/2018-15:49:00 PM
Hội nghị Tổng kết các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 28/02/2018, tại trụ sở Chính phủ và Phòng họp trực tuyến của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì và sự tham dự của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố tại điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương báo cáo Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tích cực triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trong tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được thành công về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 12/2017, cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, đã có khoảng 492 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (vượt mục tiêu năm 2017), tăng 712 xã so với cuối năm 2016. Còn 113 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 144 xã so với cuối năm 2016. Cả nước có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016.

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được cải thiện, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. So với cuối năm 2016, đến tháng 12/2017, cả nước đã có 4.815 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 53,9%), 7.555 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 84,6%), 4.953 xã đạt tiêu chí trường học (đạt 55,5%), 4.635 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 51,9%), 6.271 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (đạt 70,2%),...

Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện Chương trình và đã được các địa phương chú trọng tập trung thực hiện trong năm 2017. Việc đẩy mạnh thực hiện nội dung về phát triển sản xuất của Chương trình không những đã góp phần cải thiện đời sống, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn mà còn phát huy và nhân rộng được các mô hình sản xuất hiệu quả.

Để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện tiêu chí 17 về môi trường, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 26/5/2017 về phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở những chính sách định hướng từ Trung ương và xuất phát từ thực tế địa phương, vấn đề về môi trường nông thôn đã được các địa phương đặc biệt chú trọng ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho các giải pháp bảo vệ và cải tạo môi trường. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân ở cấp thôn, ấp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tổ chức nhân rộng những điểm sáng trong cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn góp phần nâng cao hơn chất lượng đạt chuẩn tiêu chí môi trường và cải thiện cảnh quan, môi trường sống.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng, xây dựng nông thôn mới cần tập trung trước hết vào cải thiện tiêu chí thu nhập gắn liền với tổ chức sản xuất, thúc đẩy sản xuất. Thứ hai là chỉ tiêu môi trường, thứ ba là giữ gìn văn hóa, xã hội với đặc thù từng vùng miền. Phấn đấu tới năm 2020 cả nước có 15.000 hợp tác xã nông nghiệp. Đây không phải chỉ là chỉ tiêu mà là bản chất sản xuất nông nghiệp, cần có sự quan tâm đặc biệt.

Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Chương trình có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,72%, giảm 1,51% so với cuối năm 2016, trong đó: bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo các vùng: khu vực miền núi Đông Bắc còn khoảng 14,9% (giảm 2,82%), miền núi Tây Bắc là 28,12% (giảm 3,13%), Đồng bằng sông Hồng là 2,45% (giảm 0,77%), Bắc Trung Bộ là 8,39% (giảm 1,96%), Duyên hải miền Trung là 8,16% (giảm 1,7%), Tây Nguyên là 12,57% (giảm 2,7%), Đông Nam Bộ là 0,78% (giảm 0,26%), Đồng bằng sông Cửu Long là 6,09% (giảm 1,87%). 10/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị, cần làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm cho chương trình giảm nghèo bền vững khi nguồn vốn Nhà nước còn khó khăn. “Tỷ lệ giải ngân, khó khăn, vướng mắc ở đâu khi có 7 tỉnh giải ngân 100%, trong khi có 5 tỉnh giải ngân đạt 38,22%”.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia

Trong năm 2017, hệ thống khung pháp lý quản lý, điều hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh đến nay cơ bản được hoàn thành, là cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện từng chương trình. Trong đó, quy định về xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn lực thực hiện từng chương trình theo giai đoạn 5 năm đã tạo được sự chủ động căn bản cho các địa phương trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Công tác huy động nguồn lực đã được chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện các chương trình, trong đó nguồn ngân sách Trung ương được cân đối bố trí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính có tính lan tỏa và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để nhân rộng. Các địa phương đã chú trọng dành nguồn lực cân đối từ ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng thực hiện các chương trình theo quy định.

Với định hướng “nguồn ngân sách nhà nước” chỉ đóng vai trò vốn mồi, huy động sự chung tay của toàn thể xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhiều chính sách ưu đãi tín dụng được Chính phủ triển khai tạo thêm nguồn lực cho thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Nhiều cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn đang được triển khai đồng bộ và không ngừng mở rộng về đối tượng, phạm vi được hưởng ưu đãi, nhờ đó đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn nhất là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp đã ghi nhận và đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từng nội dung, hoạt động của từng chương trình.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã chủ động các giải pháp và đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành việc xử lý nợ đọng theo đúng yêu cầu của Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016…

Công tác đào tạo, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được đổi mới với nhiều phương pháp mới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về chính sách, định hướng của Chính phủ. Cập nhật, đưa tin về các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia từ khâu lập kế hoạch, đến khâu tổ chức thực hiện và xây dựng hệ thống thông tin theo dõi, giám sát, đánh giá các chương trình theo tinh thần xây dựng “Chính phủ điện tử” tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Tiếp nối những kết quả bước đầu đã đạt được trong hai năm đầu thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 và để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2018 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ tăng cường công tác nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của các chương trình.

Bố trí và huy động đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác. Mở rộng triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước để tuyên truyền trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Hợp tác tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và vay vốn từ các đối tác phát triển quốc tế để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, đề án, nội dung được lồng ghép, tích hợp vào thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Trong đó, tập trung công tác chỉ đạo thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.

Đồng thời, tập trung xây dựng và hoàn thiện các Bộ chỉ số theo dõi, giám sát thực hiện chương trình. Triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tập trung triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách hiện hành liên quan đến xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, đề xuất tích hợp, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ các chính sách theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản…

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 và các giải pháp thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia sớm phê duyệt Quyết định ban hành danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020 để làm căn cứ giao nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo đối với nguồn vốn còn lại chưa phân bổ.

Trên cơ sở dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương, kiến nghị giao các Bộ chủ Chương trình mục tiêu Quốc gia, các cơ quan chủ trì nội dung, dự án thành phần và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương trình Trưởng Ban chỉ đạo trước tháng 3/2018. Ban Chỉ đạo các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình công tác triển khai các nhiệm năm 2018 trong Quý I/2018 và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan Trung ương trong quản lý, điều hành và cung cấp thông tin báo cáo về tình hình triển khai kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2018…

Các Bộ chủ trì chương trình phối hợp với các cơ quan chủ trì dự án thành phần sớm có hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức thực hiện chương trình. Tăng cường công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ của từng Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Đảm bảo các giải pháp bố trí nguồn lực xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2018. Đồng thời, tổng hợp và báo cáo tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trên phạm vi cả nước theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016.

Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả nổi bật của việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2017 là hoàn thiện khung khổ văn bản pháp lý cho cả giai đoạn 2016-2020 với bộ tiêu chí mới về nông thôn mới, tiếp cận đa chiều về giảm nghèo bền vững và theo kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cùng với đó, bộ máy chỉ đạo điều hành hoàn thiện, thông suốt từ Trung ương tới địa phương. Nhiều cách làm mới, mô hình hay gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững. Cả nước cũng huy động được gần 400.000 tỷ đồng (vốn Nhà nước, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân, vốn tín dụng ngân hàng) - con số rất cao so với nhiều năm trước cho 2 chương trình này trong năm 2017, tạo ra nguồn lực lớn để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đối với năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ là thành viên Ban chỉ đạo, các địa phương quán triệt phương châm: “Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, “với khung khổ pháp lý chung mà Chính phủ ban hành thì bài học chủ động rất quan trọng đối với thực tiễn sinh động và với Nhân dân, các địa phương, đồng thời đặt lên trên hết là tính hiệu quả trong thực hiện, đầu tư”. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ tiếp tục hoàn thiện khung khổ thể chế, trong đó đôn đốc để sớm ký văn bản liên quan đến xác định huyện nghèo.

Hiện nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi các Nghị định về đầu tư công, trong đó có các vướng mắc về cắt giảm thủ tục đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, tăng tổng mức ủy quyền đầu tư của một dự án từ 5 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng; Phân bổ, sử dụng nguồn lực xã hội để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm năm 2018 không phát sinh các khoản này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, địa phương tập trung thực hiện Chương trình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị, làm tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm; Đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của 2 chương trình này tới toàn xã hội, để thu hút sự tham gia và nguồn lực của các tổ chức, người dân trong và ngoài nước cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình, trong năm 2018, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu hai Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các hội nghị chuyên đề để thúc đẩy phát triển hạ tầng, mô hình sản xuất các khu vực bãi ngang ven biển, nhân rộng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Hoàn thành xây dựng tiêu chí huyện nghèo mới để khuyến khích các địa phương vươn lên thoát nghèo, không để tồn tại tâm lý không muốn thoát nghèo như một số nơi hiện nay./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4034
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)