Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/03/2018-13:57:00 PM
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ô-xtơ-rây-li-a
(MPI) – Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam tại Ô-xtơ-rây-li-a, ngày 16/3/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ô-xtơ-rây-li-a.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Cơ quan Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a phối hợp tổ chức. Đây là cơ hội quý báu để hai bên trao đổi về tiềm năng, cơ hội hợp tác song phương, phát triển kinh doanh, thương mại, đầu tư.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi hai nước vừa tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Việt Nam - Ô-xtơ-rây-li-a đang hướng tới Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018) và nâng cấp lên “Quan hệ Đối tác chiến lược”.

Việt Nam luôn chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đã tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả CPTPP. Dự kiến trong năm 2018, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) sẽ hoàn tất rà soát pháp lý và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, với 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do được hưởng ưu đãi cao từ thị trường rộng lớn của gần 40 quốc gia phát triển, điều này làm cho Việt Nam có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, GDP tăng bình quân 6,5-7%/năm, quy mô GDP đạt 320-350 tỷ USD, kim ngạch thương mại tăng 12-15%/năm, đạt khoảng 600 tỷ USD.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 nhóm biện pháp lớn: Thứ nhất, tập trung vào cải cách thể chế, chính sách pháp luật, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực phát triển quan trọng, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, để đến năm 2030 có khoảng 50% dân số Việt Nam thuộc nhóm thu nhập trung bình, khá. Khơi dậy mọi tiềm năng, kết hợp hài hòa sự năng động của khu vực tư nhân với tiềm lực của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, chú trọng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối hiệu quả, giảm chi phí cho doanh nghiệp... Phát triển hệ thống y tế và giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội bảo vệ người dân. Từ năm 2015, Việt Nam đang trong lộ trình giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15-17%, đồng thời áp dụng quy định ưu đãi miễn, giảm thuế dành cho đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo việc làm…

Thứ ba, phát triển khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện bảo hộ theo luật pháp các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới. Khuyến khích các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế hoạt động ở Việt Nam.

Ô-xtơ-rây-li-a là nước thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016 và gia tăng nhanh chóng thời gian qua, với cán cân thương mại cân bằng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Ô-xtơ-rây-li-a tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để hàng nông thủy sản nhiệt đới, hàng dệt may, đồ gỗ, cao su, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử... của Việt Nam được tiếp cận người tiêu dùng Ô-xtơ-rây-li-a. Việt Nam sẵn sàng nhập các sản phẩm của Ô-xtơ-rây-li-a như khoáng sản, dược phẩm, lúa mỳ, bông, thiết bị hiện đại...

Các doanh nghiệp Ô-xtơ-rây-li-a đã đầu tư vào Việt Nam hơn 400 dự án, tổng vốn gần 2 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; nông, lâm, thủy sản; khai khoáng, dịch vụ, y tế, giáo dục… Ô-xtơ-rây-li-a cũng là thị trường tin cậy để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư 44 dự án với hơn 230 triệu USD.

Việt Nam tin tưởng và mong muốn nhiều doanh nghiệp Ô-xtơ-rây-li-a đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, khai khoáng, cơ sở hạ tầng (theo hình thức PPP), viễn thông, dịch vụ - giáo dục - du lịch, nông nghiệp... Thông qua các dự án khởi nghiệp, sáng tạo, đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mong muốn các nhà đầu tư Ô-xtơ-rây-li-a quan tâm đầu tư, tham gia làm cổ đông chiến lược đầu tư lâu dài.

Năm 2017, số du khách từ Ô-xtơ-rây-li-a đạt gần 400 nghìn lượt khách, tăng 16%. Các đường bay liên tục được mở rộng, hạ tầng, chất lượng dịch vụ du lịch nâng lên sẽ làm tăng mạnh du khách Ô-xtơ-rây-li-a.

Trong thời gian tới, với sự cộng hưởng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ô-xtơ-rây-li-a và Hiệp định CPTPP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hy vọng sẽ được chứng kiến niềm hứng khởi mạnh mẽ của các doanh nghiệp Ô-xtơ-rây-li-a đầu tư vào Việt Nam và khẳng định sẽ cùng các doanh nghiệp Ô-xtơ-rây-li-a làm nên những thành công mới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1586
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)