Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/12/2012-15:33:00 PM
Dự báo các kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013

(MPI Portal) – Sáng 07/12, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhận định, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tăng trưởng chậm lại, thâm hụt tài khóa nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, đáng chú ý là các cuộc khủng hoảng nợ quốc gia ở châu Âu gây ra sự bất ổn tài chính, làm chậm tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc đưa ra các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp này đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế tránh được một năm giảm sâu, giá cả được kiểm soát; thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, cán cân tổng thể được cải thiện; các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo.

Tại Hội thảo, nhiều nhà quản lý và khoa học đã có những nhận định khách quan, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 giảm năm thứ 2 liên tiếp xuống mức 5,2%; các doanh nghiệp đình đốn sản xuất và khó khăn trong tiếp cận vốn; nợ xấu tăng cao; hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện nhiều; tiêu dùng giảm sút.
Để kịp thời khắc phục khó khăn, vượt qua được những thách thức nêu trên, bên cạnh việc phải có quyết tâm chính trị cao, cần phải có những đánh giá sâu sắc và thực sự khách quan về tình hình hiện tại, bối cảnh tương lai, làm tốt công tác phân tích dự báo để làm công tác căn cứ xây dựng và điều hành kế hoạch, huy động hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ tốt thời cơ thuận lợi, tập trung cao vào khia thác tiềm năng, thế mạnh, khắc phục những khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2013.
Với mục tiêu nhìn lại một năm đầy thách thức, trao đổi, thảo luận các vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam, bối cảnh thế giới 2012, và đặc biệt là triển vọng phát triển năm 2013, Hội thảo này rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay đối với công tác quản lý, điều hành của Chính phủ năm 2013, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.
Theo gợi ý của Thứ trưởng Đặng Huy Động, Hội thảo khoa học lần này là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý cùng nhau trao đổi, thảo luận sâu sắc và cởi mở về thực trạng phát triển kinh tế năm 2012 và đưa ra những nhận định xác đáng về triển vọng phát triển kinh tế năm 2013, từ đó gợi mở những đề xuất, những hàm ý chính sách thiết thực cho công tác, quản lý điều hành của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan trong năm 2013, là năm mà theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cũng như quốc tế, là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới NCEIF, trong khi, nền kinh tế thế giới đang phải chịu nhiều sức ép, các nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thương mại toàn cầu kém khả quan hơn so với triển vọng, nhưng tình hình thương mại của Việt Nam trong những tháng qua cũng đạt được nhiều thành tựu khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2012 đạt gần 73,4 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 34,1%. Dự kiến, năm 2013 triển vọng về thương mại toàn cầu chỉ hồi phục nhẹ trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, tăng trưởng gắp liền với xuất khẩu thì hoạt động sản xuất thương mại tại Việt Nam có thể phải chịu nhiều tác động.
Với diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, tình hình thâm hụt ngân sách của các nước, nhất là các nước đang phát triển, sự suy giảm tăng trưởng tại các quốc gia trên thế giới, mức độ phục hồi kinh tế Mỹ và Nhật Bản nhẹ trong khi rủi ro lớn sẽ có những tác động đáng kể tới tình hình thương mại của Việt Nam trong năm tới.
Trong điều kiện thị trường vốn của Việt Nam đang gặp khó khăn như hiện nay, việc phần lớn các dòng vốn quốc tế tiếp tục xu hướng phục hồi, mặc dù với tốc độ chậm hơn ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu, sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình thu hút các dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam năm 2012 cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được hết những lợi thế từ sự phục hồi của dòng vốn quốc tế.
Ý kiến của Ths. Phó Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban phụ trách Ban phân tích và Dự báo NCEIF, kinh tế Việt Nam năm 2012 chưa khởi sắc được như mong đợi. Tốc độ tăng trưởng GDP còn thấp, nguyên nhân do những động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm: vốn, tiêu dùng và sản xuất khu vực công nghiệp – xây dựng đang đà sa sút các nhân tố hỗ trợ tăng trưởng còn chưa đủ mạnh. Đời sống nhân dân cũng như doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trước mắt trong lúc tín hiệu hồi phục là chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, năm 2012 bám sát những khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã có những điều hành quan trọng, đúng hướng, phù hợp và đã thu được những kết quả ban đầu trong đó phải kể đến là: khống chế lạm phát, giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân tổng thể, … là những mục tiêu quan trọng và nỗ lực bất thành của nền kinh tế Việt Nam trong những năm trước đây.

PGS.TS. Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc NCEIF trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
Báo cáo tại Hội nghị, PGS. TS. Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc NCEIF, dưới tác động của nền kinh tế thế giới, bối cảnh kinh tế Việt Nam 2013, Chính phủ vẫn duy trì thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, ưu tiên ổn định vĩ mô, lạm phát được kiềm chế mức thấp hợp lý. Giải quyết được nợ xấu của hệ thống ngân hàng và thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013.

Phân tích bối cảnh kinh tế thế giới trong và ngoài nước năm 2013, nhất là phân tích dịch chuyển dòng vốn FDI, ODA từ một số nước vào các nước ASEAN có thể thấy rằng dư địa để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển kinh tế vẫn còn nhiều. So với nhiều nước ASEAN khác, Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn này do môi trường chính trị - xã hội Việt Nam ổn định; nguồn lao động trẻ dồi dào; phí nhân công thấp và nhất là Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để phục hồi những hạn chế của môi trường đầu tư.
Dựa trên ước tính tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 đã được báo cáo trước Quốc hội, dựa vào bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2013 và một số kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do một số tổ chức quốc tế xây dựng, Nhóm nghiên cứu đề xuất dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013 theo 3 kịch bản.
Kịch bản 1 (tăng trưởng thấp): tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,8%, khi đó vốn đầu tư phát triển của Việt Namtăng 5,5%.
Kịch bản 2 (kịch bản chủ): tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,3%, khi đó vốn đầu tư phát triển của Việt Nam tăng 11%.
Kịch bản 3 (tăng trưởng cao): tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,6%, khi đó vốn đầu tư phát triển của Việt Nam tăng 15%.
Trong đó, kịch bản 2 được Nhóm nghiên cứu coi là kịch bản chủ có nhiều khả năng xảy ra nhất.
CÁC KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2013
Ước 2012
Kịch bản 1
Kịch bản 2
Kịch bản 3
Tăng trưởng GDP thế giới
3,3
2,8
3,3
3,6
Tăng trưởng GDP (%)
5,2
5
5,68
6,34
- Nông, lâm nghiệp và thủy sản
2,6
3,15
3,27
3,4
- Công nghiệp và xây dựng
5
4,9
6
6,67
- Dịch vụ
6,3
5,8
6,2
7
GDP hiện hành (nghìn tỷ đồng)
2.949
3.231
3.341
3.417
Cơ cấu trong GDP (%)
- Nông, lâm nghiệp và thủy sản
21,6
22,1
21,5
21,3
- Công nghiệp và xây dựng
40,8
40
39,9
39,6
- Dịch vụ
37,6
37,9
38,6
39,1
Lạm phát
7,3
5,5
7,1
8,2
Tăng trưởng xuất khẩu (%)
16,6
12,8
14,6
16,3
Tăng trưởng nhập khẩu (%)
6,79
14,6
20,9
22,9
Nhập siêu / xuất khẩu (%)
0,9
2,4
6,5
6,6
Vốn đầu tư / GDP (%)
29,5
29
30,5
30,5
GDP / người (%)
1.582
1.680
1.727
1.766
Việc đề xuất các kịch bản tăng trưởng năm 2013, sẽ giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách có cái nhìn sâu sắc hơn từ nhiều khía cạnh. Giúp các cơ quan tham mưu của Chính phủ có đầy đủ thông tin đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã thông qua./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1450
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)