I. Tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
1. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới tháng 3/2018
Tính đến ngày 20/03/2018, Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 185,9 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,7 tỷ USD (chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 21,1 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư).
Đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 59 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 49,8 tỷ USD (chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.
ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44,5 tỷ USD (chiếm 13,9% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 30,62 tỷ USD (chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 27,7 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư).
Vốn đăng ký lũy kế đến tháng 3/2018 giảm so với vốn lũy kế đến tháng 02/2018 do trong tháng 3 dự án nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô tại Phú Yên đã chấm dứt hợp đồng đầu tư.
II. Tình hình thu hút ĐTNN Quý I năm 2018
1. Tình hình hoạt động
Vốn thực hiện
Tính đến ngày 20/3/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Tình hình xuất, nhập khẩu
Xuất khẩu: Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 39,34 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 72,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 38,83 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 71,5% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 31,75 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 59,9% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,59 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 7,08 tỷ USD không kể dầu thô.
2. Tình hình cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Tính đến ngày 20 tháng 3 năm 2018, cả nước có 618 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 2,12 tỷ USD, bằng 72,7% so với cùng kỳ năm 2017; có 199 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,79 tỷ USD, bằng 45,4% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư đăng ký cấp mới trong Quý I năm 2018 giảm so với cùng kỳ năm 2017 do trong Quý I năm 2017 có dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh vốn tăng thêm 2,5 tỷ USD.
Cũng trong Quý I năm 2018, cả nước có 1285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp là 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ 2017. Trong đó có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,34 tỷ USD và 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà ĐTNN mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 547,8 triệu USD.
Tính chung trong Quý I năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 5,8 tỷ USD, bằng 75,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo lĩnh vực đầu tư
Trong Quý I năm 2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 59,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong Quý I năm 2018. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 531 triệu USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 486 triệu USD, chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư:
Trong Quý I năm 2018 có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 1,84 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư; Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 689 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 649 triệu USD, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư:
Trong Quý I năm 2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 49 tỉnh thành phố, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký là 1,7 tỷ USD, chiếm 29,3 tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 925 triệu USD, chiếm xấp xỉ 16% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 565 triệu USD chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn được cấp phép trong Quý I năm 2018:
- Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, cấp phép ngày 01/9/2016 với mục tiêu Sản xuất mô đun Camera điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD.
- Dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, cấp phép ngày 20/3/2014 với mục tiêu sản xuất giày và quần áo thể thao tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 260 triệu USD.
- Dự án nhà máy điện gió Hanbaram, cấp phép ngày 07/02/2018, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Singapore đầu tư tại Ninh Thuận với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.
- Dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD.
- Dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology, cấp phép năm 2016 với mục tiêu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD.
III. Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài
Trong Quý I năm 2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 123,62 triệu USD, có 5 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm là 25,88 triệu USD. Tính chung trong Quý I năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm 149,5 triệu USD.
Trong Quý I năm 2018, Lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 19,9 triệu USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư. Các dự án còn lại chủ yếu thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 7 dự án, tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 8,5 triệu USD, chiếm 8% tổng vốn đầu tư. Một số ít dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ lưu trú và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, xây dựng và vận tải kho bãi.
Có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong Quý I năm 2018, trong đó dẫn đầu là các nước Lào (chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư), Campuchia (chiếm 17,3%), Cuba (chiếm 13,3%), Úc (chiếm 8%)./.
File đính kèm: FDI_3.2018.xls
Cục Đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư