Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/04/2018-16:32:00 PM
Kinh tế vĩ mô quý I năm 2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới
(MPI) – Ngày 11/4/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Kinh tế vĩ mô quý I năm 2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 cao hơn so với tiềm năng và vượt hầu hết các mức kỳ vọng.

Mức tăng trưởng 3 tháng đầu năm 2018 được cải thiện chủ yếu nhờ cán cân thương mại và có thể do nhập khẩu đầu vào từ năm trước chưa sử dụng hết, khiến cán cân thương mại được cải thiện. Bên cạnh đó, đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP giảm do chính sách kiểm soát tín dụng, cơ cấu tín dụng đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn cho tiêu dùng. Ngoài ra, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định trong những tháng đầu năm 2018 cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong quý I/2018.

Mặc dù đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, song vẫn còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến việc tăng trưởng một cách bền vững. Cụ thể, điều hành giá hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý giá chưa thực sự dựa trên nền tảng cải thiện chất lượng hàng hóa và dịch vụ dẫn tới lạm phát, chi phí sản xuất tăng nhanh hơn so với mức tăng giá trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, cách điều hành tài khóa chưa chủ động hướng tới củng cố dư địa ứng phó với các cú sốc bất lợi khi phản ứng tương đối nhanh trong đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chưa thực sự chặt chẽ trong xử lý gian lận thuế.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Chính phủ cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó ưu tiên giữ ổn định tỷ giá. Cùng với đó, tính toán kỹ vấn đề tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2018, tránh tác động lên lạm phát. Vì nhiều năm qua, mức tăng lương tối thiểu vùng đã vượt quá lạm phát.

Bên cạnh đó, phải thúc đẩy cải cách kinh tế vĩ mô, gồm tinh giản bộ máy nhà nước, giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh. Đồng thời, cần tích cực hơn trong việc chuẩn bị cho Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Ngoài ra, cần phòng ngừa, ứng xử hữu hiệu với các cú sốc bất lợi. Đầu tiên là cần chủ động, tích cực hơn trong quan hệ với đối tác, có cơ chế hành động nhanh và truyền thông hiệu quả.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đưa ra các ý kiến, giải pháp để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2580
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)