Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/04/2018-11:22:00 AM
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Xin-ga-po 2018
(MPI) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Xin-ga-po của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 26/4/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Xin-ga-po, Hiệp hội Doanh nghiệp Xin-ga-po, Hiệp hội các nhà sản xuất Xin-ga-po đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po 2018 với chủ đề “Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 5 năm đối tác chiến lược: Đồng sáng tạo các nền kinh tế tương lai Việt Nam - Xin-ga-po”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự Diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu nói của cố Thủ tướng Xin-ga-po Lý Quang Diệu: "Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực". Câu nói đó vẫn luôn là lời động viên chân thành đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Kể từ năm 1992, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Xin-ga-po với việc đặt vấn đề kết nối hai nền kinh tế với sự khởi đầu là thành lập khu VSIP ở Bình Dương. Đến nay, Xin-ga-po đã đầu tư vào Việt Nam hơn 43 tỷ USD với gần 2.000 dự án, đứng thứ 3/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 93 dự án đầu tư tại Xin-ga-po với tổng vốn là 235 triệu USD. Năm 2017, đã có 28 vạn lượt người Xin-ga-po thăm Việt Nam và khoảng 40 vạn lượt người Việt Nam sang Xin-ga-po, hiện có gần 10.000 du học sinh Việt Nam tại Xin-ga-po.

Những con số trên chứng tỏ môi trường đầu tư của Việt Nam đã có bước tiến đáng mừng. Theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố tháng 02 vừa qua, có 65,1% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh có lãi trong năm 2017, gần 70% doanh nghiệp có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam có cấu trúc dân số trẻ với 57% người dân dưới 35 tuổi, có thu nhập và sức mua ngày càng tăng. Tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng đạt gần 70% GDP tạo nên một thị trường đầy tiềm năng. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 4/2018, ghi nhận có 13% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu đang làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương về kết nối Internet. Việt Nam cũng là nước có kết nối điện thoại di động cao với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng trong nhóm đầu khu vực với 8/10 người sử dụng điện thoại di động.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo. Tính năng động kinh tế, chính sách mở Internet và mức độ phức tạp, trình độ về sản xuất kinh doanh được nâng lên đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam khuyến khích các Quỹ đầu tư hướng vào nâng đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo tiềm năng. Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các ý tưởng khởi nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cũng như thực hiện các cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các Hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia.

Đặc biệt, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh trong Nhóm đầu ASEAN và hướng đến các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Việt Nam đang tập trung giảm chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí về thủ tục hành chính, logistics, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất và đổi mới - sáng tạo. Cùng với đó là chủ động tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, sự hợp tác của các đối tác Xin-ga-po sẽ mang đến những kinh nghiệm hay về thành tựu của nền kinh tế khởi nghiệp của quốc gia khởi nghiệp Xin-ga-po đến Việt Nam và tin rằng sau Diễn đàn ngày hôm nay, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác được mở ra cho các doanh nghiệp hai nước vì sự phát triển toàn diện của hai quốc gia và của toàn khu vực.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Xin-ga-po. Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký các thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước./.

Hiện nay, Xin-ga-po là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong số các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2017 đạt 8,26 tỷ USD.

3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Xin-ga-po đạt 1.931 triệu USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 761triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 1170 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ.

Lũy kế đến cuối năm 2017, Xin-ga-po có 350 dự án đầu tư vào các KCN, KKT của Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 10,8 tỷ USD, đứng 05 về số lượng dự án và thứ 04 về tổng mức đầu tư trong cả nước.

Không kể lĩnh vực dầu khí, đến nay Xin-ga-po đã đầu tư vào 48/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với 1.042 dự án với số vốn đầu tư đăng ký đạt 10,25 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Hà Nội với 320 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,56 tỷ USD. Tỉnh Quảng Nam đứng thứ 3 với 9 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 4,1 tỷ USD.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1416
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)