(MPI) – Đây là thông điệp được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức ngày 20/4/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh.
|
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: MPI
|
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện nhất quán chính sách đổi mới, hội nhập quốc tế, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong nhiều năm, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút được 320 tỷ USD từ 126 đối tác, trong đó có trên 170 tỷ USD đã được đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối... Nhiều tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Hàn Quốc là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Việt Nam với 6.760 dự án, 59 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực tại Việt Nam. Hiện doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam như công nghiệp điện tử, năng lượng, sản xuất ô tô, may mặc, xây dựng...
Năm 2017, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác FDI hàng đầu tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức kỷ lục, trên 9 tỷ USD với nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, kinh doanh bất động, năng lượng, phân phối, M&A ... Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã tham gia vào 02 dự án BOT lớn là Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và Nhiệt điện Nam Định 1 với tổng vốn đầu tư trên 5,2 tỷ USD thông qua hình thức liên doanh, đăng ký qua nước thứ 3.
Về thương mại, Hàn Quốc đã trở thành đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 64 tỷ USD, tăng trên 32% so với năm 2016 và đã tăng gấp 128 lần so với khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.
Về du lịch, Việt Nam là điểm đến nhiều nhất của du khách Hàn Quốc trong số các nước Đông Nam Á và đưa Hàn Quốc trở thành đối tác du lịch lớn thứ 2 của Việt Nam.
Để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt khoảng 320 - 350 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 đến 3.500 USD, quy mô thương mại đạt khoảng 600 tỷ USD.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Việt Nam đang tích cực nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất và đổi mới, sáng tạo; Chủ động tiếp cận nhằm tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế tri thức; Kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Hướng tới phát triển bền vững, ổn định và bao trùm.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh khẳng định, Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật; Mở rộng không gian kinh doanh, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp; Tiếp tục phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống tài chính, ngân hàng, cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với mục tiêu vì con người và hòa bình, thúc đẩy thịnh vượng chung. Việt Nam cũng luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, coi cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn với Hàn Quốc trên nền tảng chia sẻ và bổ trợ lẫn nhau, gắn kết thế mạnh, tiềm năng của mỗi nước. Việt Nam khuyến khích và mong muốn hợp tác đầu tư với Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới - cơ khí chính xác, nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, phát triển kết cấu hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh, y tế, sinh học, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...
Với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam mong muốn thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng và Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để hàng nông thủy sản, dệt may, đồ gỗ, cao su... tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng linh kiện sản xuất cũng như những mặt hàng thế mạnh khác của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục chia sẻ những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh, trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Điều này đòi hỏi đội ngũ doanh nhân hai nước phải năng động, sáng tạo, phải có tầm nhìn và ý chí vươn lên.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc là sự kiện rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam - Hàn Quốc Kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đã đạt được trong suốt một phần tư thế kỷ qua, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư