(MPI) - Tiếp tục Phiên họp thứ 23, sáng ngày 16/4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Thúy Quyên (MPI)
|
Tại phiên họp, trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp này gồm 6 chương, 84 điều và 6 phụ lục, kèm theo dự thảo Nghị quyết về thi hành Luật. Về cơ bản, Thường trực Ủy ban pháp luật (TTUBPL) và cơ quan soạn thảo thống nhất các nội dung tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật và đã thể hiện cụ thể trong Báo cáo số 1311/BC-UBPL14 của Ủy ban Pháp luật.
Trong đó, về tổ chức chính quyền địa phương, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu được chỉnh lý bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị Trung ương 11 (Khóa XI) và ý kiến của Bộ Chính trị. Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
Về một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan đến đất đai, theo Dự thảo, thời hạn sử dụng đất được chỉnh lý như sau: căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu nhưng không quá 70 năm. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hạn hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và các địa phương đề nghị bổ sung một số ngành, nghề ưu tiên phát triển mới. Tuy nhiên, TTUBPL và cơ quan soạn thảo thấy rằng, các ngành, nghề ưu tiên phát triển là nội dung mang tính trọng tâm, xuyên suốt, thể hiện mục tiêu, định hướng phát triển của từng đặc khu, là căn cứ để xác định và thực hiện các chính sách ưu đãi và chính sách khác, do đó, cần được quy định rõ trong dự thảo Luật và hạn chế mở rộng nhằm bảo đảm nguyên tắc ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế của từng đặc khu. Chỉ xem xét, bổ sung những ngành nghề thực sự cần thiết theo đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, TTUBPL đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát và thống nhất đề nghị bổ sung ngành, nghề dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn, bổ sung ngành, nghề sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong, đồng thời chỉnh lý về kỹ thuật thể hiện trong phụ lục để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất.
Về ngân sách cho đặc khu, dự thảo Luật được chỉnh lý quy định ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật này. Đồng thời, tạo cơ sở cho việc áp dụng quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu. Bên cạnh đó, TTUBPL đã phối hợp với các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung một số quy định đặc thù về ngân sách đặc khu nhằm bảo đảm chặt chẽ, khả thi và tạo sự chủ động cao hơn cho chính quyền địa phương tại đặc khu.
Trong dự thảo Luật trình Quốc hội, tại ba đặc khu đều xác định xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư. Đây là các dự án đầu tư phức hợp đa chức năng với vốn đầu tư lớn, do vậy việc quy định dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này được hưởng ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất như các dự án khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển khác là cần thiết để thu hút đầu tư và đảm bảo cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao, có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư, do đó chính sách ưu đãi cần được tính toán hợp lý, đảm bảo không gây thất thu ngân sách nhà nước trong dài hạn. Trên cơ sở tiếp thu một phần ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan thống nhất chỉnh lý theo hướng giảm một số ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino so với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội.
Dự thảo Luật cũng bổ sung một điều mới quy định về cán bộ, công chức thuộc bộ máy chính quyền địa phương ở đặc khu và chỉnh lý cơ bản quy định về chính sách đối với người làm việc tại các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương ở đặc khu. Theo đó, về cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay ở ba địa phương được sắp xếp lại để tiếp tục làm việc trong bộ máy chính quyền ba đặc khu vẫn được xác định là cán bộ, công chức theo pháp luật về cán bộ công chức. Riêng bộ phận công chức chuyên môn được tuyển dụng mới thì sẽ thực hiện theo chế độ tuyển dụng có thời hạn để thử nghiệm chính sách mới. Việc tuyển dụng được thực hiện theo vị trí việc làm trên cơ sở nguyên tắc người sử dụng lao động trực tiếp tuyển dụng lao động. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở đặc khu.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mục tiêu chính của ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực. Do vậy, phải thảo luận kỹ lưỡng về khía cạnh tài chính, ngân sách. Qua đó thấy được ba đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu lại được gì.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ ngân sách đầu tư vào đặc khu cụ thể là bao nhiêu để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời đề nghị, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cần rà soát lại để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước. Vấn đề thu hút đầu tư không có nghĩa là Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm thuế. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ trương là ban hành Luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện và làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây là luật khó với nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá. Các quy định trong luật này có thể khác luật khác nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và chủ trương của Đảng.
Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên tắc chính xây dựng Luật là nhằm tạo ra thể chế vượt trội để hình thành các cực tăng trưởng mới. Chúng ta chỉ tạo ra thể chế là chính và hỗ trợ một phần ngân sách để tạo vốn mồi cho nhà đầu tư. Nguyên tắc thứ hai là không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, đến nay cơ quan soạn thảo vẫn còn một số điểm băn khoăn đó là chúng ta xây dựng một thể chế vượt trội nhưng quốc tế hay các nhà đầu tư có chấp nhận thể chế đó không. Thứ hai, chúng ta chưa xác định được nhà đầu tư chiến lược. Thứ ba, khi chúng ta tạo ra thể chế mới, tăng thêm quyền, phân cấp, tăng thêm tính chủ động thì đội ngũ cán bộ có hấp thụ, điều hành được không, đó là điều Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quan ngại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính sách ưu đãi không phải là vấn đề quan trọng mà là môi trường đầu tư kinh doanh có được thuận lợi, thông thoáng, thủ tục có được đơn giản và có đảm bảo được tính cạnh tranh không. Cùng với đó, là định hướng phát triển các đặc khu đó và cam kết về chính sách phát triển của Nhà nước. Trong dự thảo Luật đã thiết kế 25/85 điều chỉ điều chỉnh về môi trường và chính sách, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi giảm các ưu đãi ở các ngành nghề theo hướng chỉ tập trung ưu đãi vào các ngành nghề ưu tiên, khuyến khích phát triển và cũng chỉ trong một thời hạn nhất định.
Phát biểu kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đây là dự án Luật khó, phức tạp, có nhiều nội dung nhạy cảm, được cử tri quan tâm. Sau khi thảo luận, UBTVQH thống nhất tên gọi của dự án Luật là Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Thống nhất, chính quyền đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đặc khu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu với bộ máy gọn nhẹ, chức năng nhiệm vụ cụ thể. Phân cấp, phân quyền rõ cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đặc khu, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu.
UBTVQH cũng nhất trí không tổ chức cấp phường, xã ở 3 đặc khu này mà chỉ tổ chức Trưởng khu hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu bổ nhiệm. UBTVQH cũng thống nhất, cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm khả thi, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế… Trên cơ sở thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư