(MPI) - Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4/2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 14.510 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 133.538 tỷ đồng, tăng 79,5% về số doanh nghiệp và tăng 64,5% về số vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 8,3%. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 106.699 lao động, tăng 54,7%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước là 3.281 doanh nghiệp, tăng 82,2% so với tháng 3/2018.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 52.737 doanh nghiệp, trong đó, 41.295 doanh nghiệp thành lập mới và 11.442 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế là 1.161.019 tỷ đồng, bao gồm: Số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 412.028 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 748.991 tỷ đồng với 12.170 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn. Cả nước có 41.295 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 412.028 tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 10,0 tỷ đồng, tăng 6,8%. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 332.088 lao động, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2017.
So sánh 4 tháng đầu năm 2018 với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ số vốn đăng ký thành lập mới gia tăng, có mức tăng mạnh nhất là 110,8% ở loại hình công ty hợp danh. Tiếp đó là loại hình công ty cổ phần tăng 20,2%. Loại hình công ty TNHH 1 thành viên tăng 5,1%, loại hình công ty TNHH 2 thành viên tăng 4,1%, duy nhất, loại hình doanh nghiệp tư nhân giảm 56,1%. Mặc dù, loại hình công ty hợp danh có tỷ lệ vốn đăng ký thành lập mới cao nhất nhưng xét về số vốn đăng ký gia tăng thì loại hình công ty TNHH 1 thành viên có số vốn đăng ký mới nhiều nhất là 132.028 tỷ đồng.
Về số vốn đăng ký, vùng Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu trong cả nước với 187.890 tỷ đồng, chiếm 45,6% tổng số vốn đăng ký của cả nước, đứng thứ hai là vùng Đồng bằng Sông Hồng có 116.854 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng số vốn đăng ký của cả nước, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 55.837 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng số vốn đăng ký của cả nước. Đồng bằng Sông Cửu Long có 29.560 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng số vốn đăng ký của cả nước, Trung du và miền núi phía Bắc có 16.030 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng số vốn đăng ký của cả nước và Tây Nguyên có 5.856 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng số vốn đăng ký của cả nước.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 11.442 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có 4.907 công ty TNHH 1 thành viên chiếm 42,9%, có 3.466 công ty TNHH 2 thành viên chiếm 30,3%, có 1.023 doanh nghiệp tư nhân chiếm 8,9%, có 2.043 công ty cổ phần chiếm 17,9% và có 3 công ty hợp danh chiếm 0,03%.
Cũng trong 4 tháng năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở các vùng lãnh thổ có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, chỉ có khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là có mức gia tăng với tỷ lệ lần lượt là 7,5% và 3,2%.
Về tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có 7 ngành giảm so với cùng kỳ năm 2017, cụ thể: Khai khoáng có 112 doanh nghiệp, giảm 15,2%, hoạt động dịch vụ khác có 170 doanh nghiệp, giảm 10,1%, dịch vụ lưu trú và ăn uống có 540 doanh nghiệp, giảm 9,1%, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 521 doanh nghiệp, giảm 8,6%, xây dựng có 1.734 doanh nghiệp, giảm 3,8%, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.243 doanh nghiệp, giảm 3,3%, vận tải kho bãi có 583 doanh nghiệp, giảm 1,9%. Các ngành còn lại đều có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2017./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư