Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/05/2018-17:34:00 PM
Đối thoại cấp cao lần thứ nhất về hợp tác phát triển PPP tại Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 02/5/2018, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Đối thoại cấp cao lần thứ nhất về hợp tác phát triển PPP tại Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì. Tham dự Đối thoại có đại diện các bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát của Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Đối thoại là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương trao đổi với các đối tác phát triển về các khó khăn vướng mắc trong triển khai các chương trình PPP trước đây, cũng như thảo luận phương hướng triển khai hỗ trợ hợp tác cụ thể trong thời gian tới, nhằm đưa PPP vào thực tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cơ cấu kinh tế được điều chỉnh theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng về công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, để duy trì động lực, tốc độ tăng trưởng và trở thành nước công nghiệp hóa trong những năm tới thì đây là bài toán khó cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng, cơ sở hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng ngày càng cao.

Cụ thể, theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong giai đoạn từ 2015 - 2025 nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam trung bình khoảng 16 - 17 tỷ USD và theo ước tính của Ngân hàng HSBC là khoảng 17,2 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công của Chính phủ Việt Nam ngày càng khó khăn. Việc thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP là giải pháp cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vừa tận dụng được công nghệ hiện đại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo về PPP của Chính phủ đã có nhiều lỗ lực trong việc cải thiện chính sách về PPP nhằm thu hút hiệu quả hơn nữa đầu tư tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong quá trình hoàn thiện thể chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ để có cách làm PPP tương đối bài bản, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư vẫn còn tồn tại hạn chế, chưa tạo được môi trường hấp dẫn, các phương thức đầu tư linh hoạt, thuận lợi cho các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia với các cơ quan Chính phủ trong việc thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Do vậy, để tiếp tục nâng cao tính pháp lý, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật PPP nhằm khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tháo gỡ các khó khăn, hạn chế về pháp lý liên quan đến hình thức này. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, việc hỗ trợ thúc đẩy thực hiện các dự án PPP cụ thể cũng rất quan trọng trong thời gian tới.

Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Đối thoại, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, hợp tác PPP là chủ đề quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo để có thể xúc tiến thúc đẩy chương trình nghị sự quan trọng đối với Việt Nam. Trên thế giới, PPP là mô hình thành công của nhiều Chính phủ để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đem lại lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội. Khuôn khổ PPP ngày càng quan trọng khi các chính phủ đối mặt với khó khăn về tài khóa. Để PPP thành công, cần nhìn nhận đây là quan hệ đối tác dài hạn, giữa khu vực công và tư phải có sự chia sẻ lợi ích và rủi ro. Trong đó, chia sẻ rủi ro là rất quan trọng, đồng thời phải phân bổ nguồn lực hợp lý, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, kiểm soát tốt nhất các rủi ro của dự án, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Để đảm bảo thành công của dự án, huy động được vốn từ khu vực tư nhân về cả vốn vay và vốn chủ sở hữu chúng ta cần hiểu, khu vực tư nhân chỉ chấp nhận tham gia khi cảm thấy thoải mái về phân bổ rủi ro và lợi ích. Vì thế không phải dự án nào cũng phù hợp với mô hình PPP. Trong một số trường hợp, dự án kết cấu hạ tầng phải thực hiện bằng nguồn vốn công, khi xác định dự án phù hợp với mô hình PPP thì phải có được sự hỗ trợ, phối hợp để lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có năng lực, hiểu biết về PPP để có thể, không chỉ lựa chọn nhà đầu tư mà còn theo dõi việc thực hiện dự án trong tương lai.

Ông Ousmane Dione khẳng định sự tham gia của khu vực tư nhân là rất quan trọng, WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các chương trình PPP, thu hút nhà đầu tư quốc tế. Hiện Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thu hút dự án đầu tư theo hình thức PPP, nhưng quá trình triển khai còn chậm. Do vậy, việc xây dựng Luật PPP là sáng kiến tuyệt vời. Tuy nhiên, ngoài việc xây dựng Luật thì việc thực thi cũng rất quan trọng. Việc xây dựng, hợp tác thực hiện kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình PPP rất cần thiết. Nếu thiết kế tốt Luật PPP sẽ mở ra rất nhiều cơ hội lớn để thực hiện dự án PPP tại Việt Nam.

Toàn cảnh Đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Chia sẻ về quá trình xây dựng khung pháp lý về PPP và hỗ trợ của các đối tác phát triển, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam qua các hình thức kỹ thuật riêng lẻ, đóng góp ý kiến đối với nội dung Dự thảo, hỗ trợ qua các dự án, chương trình ODA và viện trợ không hoàn lại. Ông Nguyễn Đăng Trương cũng đưa ra những lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển trong thời gian tới.

Quá trình xây dựng Luật PPP dự kiến từ 2018 - 2020 sẽ diễn ra trong 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Đề xuất các nhóm chính sách lớn để trình Quốc hội thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Giai đoạn 2: Soạn thảo dự thảo Luật và dự kiến một số nội dung lớn của các Nghị định hướng dẫn. Giai đoạn 3: Dự thảo Luật được thông qua và soạn thảo các nghị định hướng dẫn. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và trình hồ sơ đề nghị xây dựng Luật lên Chính phủ. Dự kiến, dự án Luật sẽ được Chính phủ xem xét tại kỳ họp Chính phủ trong tháng 5 và trình Quốc hội vào tháng 7/2018.

Chia sẻ về những thách thức trong quá trình xây dựng dự thảo Luật PPP liên quan đến nội dung tài chính dự án PPP, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, vai trò của tư nhân là quan trọng, quyết định thành công của dự án PPP. Về phía Nhà nước thì trách nhiệm ủng hộ là rất cần thiết, cần có sự thống nhất về cơ chế tài chính trong các hoạt động về PPP, phân bổ, quản lý, thanh toán, quyết toán và các nghĩa vụ phát sinh. Về cơ chế quản lý, nên thay thế cơ chế quản lý đầu ra thay cho quản lý đầu vào hiện nay để phát huy tính sáng tạo của khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, việc huy động các nhà đầu tư trong việc xây dựng thể chế, với định hướng PPP, việc triển khai các dự án dài, phương án bền vững cũng cần dựa vào nguồn lực trong nước. Ông Lê Tuấn Anh đưa ra câu hỏi “Liệu chúng ta có thể huy động đầu tư từ các quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội và nếu được thì cách thức tham gia như thế nào?”

Đồng quan điểm với Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione rằng, PPP là mối quan hệ đối tác dài hạn phải chia sẻ rủi ro, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, thách thức trong triển khai các dự án về giao thông đó là các văn bản hướng dẫn không còn phù hợp với thực tiễn, quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và cơ chế chia sẻ rủi ro còn hạn chế. Cùng với đó, thị trường vốn trong nước khan hiếm nguồn tín dụng dài hạn, với nguồn vốn ngoại thì cơ chế chia sẻ rủi ro chưa thỏa đáng và nguồn nhân lực hạn chế về năng lực và kinh nghiệm.

Chia sẻ từ phía địa phương, ông Nguyễn Hồng Văn, Trưởng phòng PPP, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại Thành phố đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư cho 131 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 284.607 tỷ đồng về lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ, giáo dục, y tế và văn hóa - thể thao. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư 243 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 869.420 tỷ đồng.

Các khó khăn trong việc thực hiện dự án đó là thời gian thực hiện dự án kéo dài, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị, nguồn vốn chuẩn bị đầu tư nếu sử dụng vốn ngân sách theo quy định Luật đầu tư công thì thời gian kéo dài và giá trị vốn được bố trí nhỏ, không đảm bảo chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương thành lập Quỹ chuẩn bị dự án giao Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố quản lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều trở ngại về việc cơ cấu tổ chức, quản lý nguồn vốn này.

Phát biểu tại Đối thoại, đại diện các đối tác phát triển đến từ ADB, IMF, JBIC, JICA, USAID, GIHUB, EuroCham, Đại sứ quán Úc, Keximbank, Đại sứ quán Anh… đều bày tỏ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật PPP. Khẳng định sẵn sàng ủng hộ chương trình PPP của Việt Nam và đây là thời điểm phù hợp để đề xuất 6 lĩnh vực dự kiến bao gồm: Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, soạn thảo Luật, phát triển dự án, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo và truyền thông.

Kết luận phiên Đối thoại, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa các đối tác phát triển với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và với Chính phủ Việt Nam nói chung. Đồng thời nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng chia sẻ với các đối tác phát triển những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức PPP và đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận, sự cam kết hỗ trợ mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam về hợp tác phát triển PPP trong thời gian tới. Hiện kết quả thu hút dự án đầu theo hình thức PPP vẫn còn hạn chế. Do vậy, Thứ trưởng mong muốn thông qua những trao đổi, thảo luận thẳng thắn tại Đối thoại hôm nay sẽ là cơ hội để mở ra phương thức hợp tác mới để đưa hình thức đầu tư theo PPP vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, bên cạnh việc tập trung xây dựng khung chính sách quan trọng, tối cao về PPP, Việt Nam mong muốn các đối tác phát triển phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các dự án cụ thể về PPP theo phương thức hiện đại nhất./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2979
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)