Công trình Hầm đường bộ Đèo Cả là công trình do 100% cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế - thi công nên đã tiết giảm được nhiều chi phí. Ảnh: VGP/Minh Thi. Đầu tư theo hình thức BOT đang là hình thức phổ biến đối với các công trình giao thông vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công thì đây là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên. Tuy nhiên, do đang đi những bước đi đầu tiên nên trong những năm qua còn bộc lộ những hạn chế, trong đó thất thoát, lãng phí đang là một hiện tượng phổ biến.
Làm thế nào để tránh thất thoát, lãng phí và đâu là các giải pháp cũng như những kinh nghiệm để tiết kiệm, tránh lãng phí từ các dự án giao thông nói chung và BOT nói riêng? Đây không chỉ là bài toán đối với những nhà đầu tư, đối tượng trực tiếp tham gia đảm nhận công trình mà đối với cả các cơ quan quản lý Nhà nước, để từ đó có những chính sách, quy định giám sát phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả và lợi ích kinh tế-xã hội của dự án này.
Kinh nghiệm từ Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (một đơn vị tư nhân đầu tiên tham dự theo hình thức BOT) là đơn vị đã thực hiện thành công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Công trình mới đây được Bộ Xây dựng chọn là công trình tiêu biểu để gắn biển chào mừng 60 năm truyền thống ngành xây dựng Việt Nam (29/4/1958 - 29/4/2018) đã không chỉ giảm tổng mức đầu tư từ 15.603 tỷ đồng theo hồ sơ được duyệt ban đầu xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng (giảm gần 25% so với dự toán) mà còn hoàn thành sớm hơn 4 tháng so với quy định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Đèo Cả cho biết, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất của việc tránh lãng phí, thất thoát là sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án, công trình.
Ông Hồ Minh Hoàng phân tích, các dự án nếu sớm đưa vào sử dụng sẽ phát huy ngay hiệu quả, mang lại lợi ích trên nhiều phương diện, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; góp phần bảo đảm an ninh-quốc phòng; hạn chế ô nhiễm môi trường; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách; tiết kiệm nhiên liệu; giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện cho các doanh nghiệp (DN) và người dân từ đó đem lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế.
“Đó chính là những lợi ích mà bên cạnh tiết kiệm chi phí cho DN, cho ngân sách Nhà nước còn có ý nghĩa về mặt xã hội rất lớn. Lợi ích từ việc tiết kiệm của các dự án giao thông nói riêng và các dự án khác của nền kinh tế nói chung, không chỉ được tính bằng tiền”, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định.
Riêng trong lĩnh vực giao thông, điều này đã được chứng minh qua các dự án đã đưa vào sử dụng. Cụ thể, ở công trình Hầm Đèo Cả là hầm đường bộ lớn thứ hai hiện nay trên đường thiên lý Bắc - Nam ở nước ta (sau Hầm đường bộ Hải Vân). Sau hơn 4 năm nỗ lực qua nhiều thử thách, đầu tháng 9/2017 công trình đã hoàn tất, đưa vào khai thác trước thời hạn 4 tháng.
Với việc thông xe Hầm đường bộ Đèo Cả, ngoài đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế của dự án, bên cạnh đó do rút ngắn được 8 km hành trình, giảm thời gian lưu thông khoảng 40 phút so với lộ trình vượt đèo, công trình còn mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.
Hay các công trình như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí; Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí; Dự án cầu Cổ Chiên giúp rút ngắn 70 km từ Trà Vinh đi TPHCM… lợi ích mang lại khoảng trăm tỷ đồng và các lợi ích mang lại không định lượng được bằng tiền như giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển văn hóa - xã hội cho người dân tại đây.
Đánh giá về công trình Hầm đường Đèo Cả, ông Cao Xuân Giao, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Đèo Cả là một trong những cung đường nguy hiểm nhất trên Quốc lộ 1A qua miền Trung. Với 12 km đi qua núi cao hiểm trở, nhiều cua gấp khuất tầm nhìn, có độ dốc lớn nên trung bình hàng năm tại đây xảy ra trên 10 vụ tai nạn giao thông, đa số thường nghiêm trọng. Về mùa mưa khu vực đèo này thường xuyên xảy ra sạt lở gây tắc đường, công tác bảo đảm giao thông rất khó khăn.
Vì vậy, công trình đã giải quyết triệt để và hiệu quả vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông cho tuyến đường Bắc - Nam cũng như góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông của Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Yên và các tỉnh miền Trung.
Thực hiện chính sách linh hoạt trong điều hành
Như chúng ta đã biết, tất cả các dự án BOT đều được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát đầu vào và toàn bộ chi phí đầu tư như các dự án đầu tư bằng ngân sách.
Như vậy, để thực hiện dự án, trước tiên các đơn vị đầu tư phải là những chủ thể thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật. Điều này không chỉ giúp DN tạo niềm tin, khẳng định thương hiệu mà còn góp phần đáng kể trong ngăn ngừa lãng phí, thất thoát.
Theo kinh nghiệm từ dự án Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng những quy định của Chính phủ, của Bộ GTVT đã rất rõ ràng trong quá trình đấu thầu, chọn nhà thầu, thẩm tra phê duyệt dự toán của dự án... đã tạo một hành lang pháp lý minh bạch cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, tạo điều kiện để các nhà đầu tư có thể vận dụng sự sáng tạo, linh hoạt của mình trong trong điều hành nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà thầu thi công.
Cụ thể, Công ty đã từng cho nhà thầu tạm ứng 40% vốn, đổi lại, họ phải có trách nhiệm, xem dự án như là của mình, hết mình vì dự án. Đồng thời, Công ty đã dùng chính sách “bình ổn giá vật liệu”, giúp nhà thầu yên tâm với công việc mình đảm nhận, đồng thời sẵn sàng cho phép nhà thầu lấn sang hạng mục của đơn vị khác trên cùng một gói thầu, nếu như đơn vị đó thi công vượt tiến độ.
Bên cạnh đó, sau khi đã được duyệt thiết kế nhưng với tinh thần sáng tạo và mạnh dạn, Công ty đã nghiên cứu, đề xuất phương án tuyến tối ưu, điều chỉnh thiết kế rút ngắn chiều dài hầm, dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã giảm tổng mức đầu tư từ 15.603 tỷ đồng theo hồ sơ được duyệt ban đầu, xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng và số vốn “dư” này đã được Bộ GTVT điều chuyển đầu tư cho dự án xây dựng hầm đường bộ Cù Mông.
Đặc biệt, việc linh hoạt trong tìm nguồn vốn, thu hút nhân lực cũng sẽ là những giải pháp tối ưu cho tiết kiệm chi phí dự án. Cụ thể, tại dự án Hầm đường Đèo cả, vượt qua những khó khăn cuối năm 2011, Công ty đã được 2 ngân hàng Pháp là Credit Agricole Corporate & Investment Bank (CA - CIB) và Société Générale (SG) ký biên bản ghi nhớ, cam kết hỗ trợ 800 triệu USD cho dự án. Và tháng 9/2012, Vietinbank chi nhánh Hà Nội cũng ký 2 hợp đồng tín dụng, tài trợ 364 tỉ đồng thực hiện nhiều hạng mục của dự án.
Tiếp đến, đây là một công trình có quy mô lớn, kỹ thuật thi công phức tạp nhưng bằng nhiều chính sách linh hoạt, công ty đã quy tụ được đội ngũ cán bộ, kỹ sư chuyên gia giỏi trong lĩnh vực giao thông trong nước, giảm chi phí về nguồn nhân lực (so với thuê người nước ngoài). Đây cũng là công trình do 100% cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế - thi công.
Đánh giá về công trình này trong một lần đến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Hầm đường bộ Đèo Cả là một công trình mà chất lượng, tiến độ, an toàn, thẩm mỹ đều đạt đến đỉnh cao. Chính người Việt Nam làm được điều đó. Đúng là niềm tự hào của tất cả chúng ta. Rất đáng mừng”./.