Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/05/2018-15:34:00 PM
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 15/5/2018, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”.

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam Warrick Cleine, đại diện các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong, ngoài nước và phóng viên thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Hội thảolà diễn đàn để các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng trao đổi, chia sẻ, đối thoại với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, đây là lần thứ hai với tư cách là Bộ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham dự đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là Hội thảo quan trọng, được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang phát huy những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2017, tận dụng những yếu tố thuận lợi những tháng đầu năm 2018, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhanh, hiệu quả những giải pháp đã đề ra, đẩy nhanh tốc độ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đã đề ra. Đặc biệt, thành tựu nổi bật trong năm 2017 là lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao và đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các khu vực kinh tế như: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng trưởng cao và đồng đều, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực. Đây là thành tựu quan trọng nhất, tạo đà thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra của Kế hoạch năm 2018, Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020. Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế. Việt Nam đã tổ chức thành công những sự kiện quốc tế lớn như: APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng (GMS) 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới được cải thiện đáng kể, cụ thể chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, xếp hạng về triển vọng của Việt Nam nâng từ mức ổn định lên mức tích cực... Đây là thành tựu có ý nghĩa thiết thực, khẳng định Việt Nam không còn là nước nhỏ, kém phát triển, góp phần đưa đất nước tham gia vào những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2018 là hết sức khả quan, tiếp nối được đà phát triển của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2018 duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%. Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%, xuất siêu ước đạt khoảng 3,39 tỷ USD...

Đây là những thành tựu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều yếu tố thuận lợi, tác động tích cực đến nền kinh tế. Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt, thương mại toàn cầu phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng, dự báo sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế thế giới. Cùng với đó, nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh và cầu nội địa tiếp tục được cải thiện, tác động tích cực từ các hiệp định FTA, hiệp định CPTPP... Điều này, có thể hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, Việt Nam còn rất nhiều việc cần thực hiện, cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớncủa các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng năm 2018 cũng như những năm tiếp theo. Đồng thời, đưa ra một số nội dung quan trọng nhằm hiện thực hóa những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 cũng trong 02 năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Về công tác đổi mới thể chế, đây được coi là động lực mang tính nền móng, căn bản đối với tăng trưởng kinh tế, vừa là sự cần thiết phải đổi mới trong bối cảnh có nhiều thay đổi diễn ra nhanh chóng, vừa là yêu cầu bắt buộc để phát triển. Trong những năm gần đây, công cuộc cải cách thể chế đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã và đang được xây dựng trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ như: Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công... tạo hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng cũng hết sức thuận lợi để phát huy mọi lợi thế phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững. Điển hình như Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Dự án Luật được xây dựng với quan điểm tận dụng tối đa nguồn lực của đất nước, tạo lập các cơ chế vượt trội, mang tính cạnh tranh với các nước trên thế giới và khu vực, tạo ra sân chơi quốc tế mới trên chính lãnh thổ Việt Nam, thúc đẩy tất cả các thành phần kinh tế tham gia, hợp tác, chuyển dịch mạnh mẽ để thích ứng. Dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 5, tạo cơ sở pháp lý kịp thời để hình thành và phát triển 03 khu hành chính kinh tế đặc biệt, sớm trở thành động lực và cực tăng trưởng mới của cả nền kinh tế.

Về vấn đề năng suất lao động và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năng suất lao động là nhân tố cốt lõi, quan trọng nhất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó phải tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao năng suất lao động, giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ, thu hẹp dần khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới và đây là cơ hội rất quan trọng đối với Việt Nam. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao xây dựng đề án về các giải pháp thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tác động và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Việt Nam cũng đang nỗ lực tối đa để sớm hoàn thành đề án Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là huy động sự tham gia rộng rãi của cả một thế hệ người Việt Nam đã và đang rất thành công trong các lĩnh vực về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... cùng với việc hình thành các trung tâm công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu triển khai hiện đại bậc nhất trên thế giới nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp 4.0 phát triển. Đây là các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và sẽ là nhân tố quyết định tạo sự phát triển đột phá trong các ngành, lĩnh vực và của cả nền kinh tế.

Về phát triển khu vực kinh tế tư nhân kết hợp với sự liên kết mạnh mẽ giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển là một quan điểm đúng đắn của Đảng, đã được cụ thể tại Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, Khóa XII. Đây là động lực mang tính dài hạn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, nâng cao tính linh hoạt, năng động của nền kinh tế, góp phần thích ứng tốt với những biến động quốc tế. Đồng thời là bước tiến đáng kể về tư duy lý‎ luận và quan điểm, đường lối kinh tế của Việt Nam, thể hiện tính nhất quán của đường lối đổi mới theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nên động lực và sự yên tâm cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư được tự do kinh doanh theo pháp luật.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam bày tỏ vui mừng khi được chứng kiến niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về động lực mới cho tăng trưởng kinh tế với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung phân tích, đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020, các giải pháp nhằm tạo động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2543
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)