(MPI) – Ngày 16/5/2018, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật, bao gồm: Luật Hóa chất số 06/2007/QH12; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12; Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực số 28/2004/QH11; Luật Dược số 105/2016/QH13; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá số 09/2012/QH13; Luật Công chứng số 53/2014/QH13; Luật Trẻ em số 102/2016/QH13; Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13; Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12.
Kết cấu của dự thảo Luật bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành Luật. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Việc ban hành Luật này là cần thiết, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 59 Luật quy hoạch.
Luật được xây dựng với quan điểm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XII về một số chủ trương chính sách lớn, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành đảm bảo phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I của Luật quy hoạch. Cùng với đó là đảm bảo duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có xem xét đến các yếu tố đặc thù của lĩnh vực, đảm bảo đủ căn cứ pháp lý để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 cho công tác lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030.
Việc ban hành luật không làm phát sinh thủ tục hành chính vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà sẽ quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tuy nhiên các nội dung này hiện tại đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ sản xuất kinh doanh hóa chất, thuốc lá, dược...). Ngoài ra, việc quy định vốn xây dựng quy hoạch thuộc vốn đầu tư công sẽ đảm bảo nguồn kinh phí cho lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch được sử dụng và quản lý một cách hợp lý và chặt chẽ.
Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh và để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật quy hoạch. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả theo tinh thần tại Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 11-NQ/TW.
Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các đại biểu cơ bản tán thành về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật và cho rằng việc xây dựng Luật là cần thiết để tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh. Đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật quy hoạch./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư