Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/06/2018-16:01:00 PM
Thiết kế luật không đánh đổi an ninh, quốc phòng lấy kinh tế
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên tắc số 1 khi xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là không được cao hơn Hiến pháp, ảnh hưởng tới Hiến pháp và không ảnh hưởng tới 4 yếu tố: quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường và người dân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Liên quan nội dung cho thuê đất 99 năm trong Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang có nhiều dư luận trái chiều, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, sáng ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

Phóng viên: Gần đây dư luận có nhiều phản ứng liên quan đến nội dung cho thuê đất 99 năm và gắn yếu tố Trung Quốc. Xin Bộ trưởng giải thích rõ việc này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc không có một chữ nào về Trung Quốc. Chỉ có điều họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên nhằm chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc.

Còn Luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung, với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các nước. Môi trường hội nhập quốc tế của ta đang mở nên bình đẳng, không hạn chế người này người khác. Mọi người đang hình dung theo hướng tiêu cực và đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc. Nhưng chúng ta bình đẳng không phân biệt, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe.

Phóng viên: Vậy Ban soạn thảo có đề nghị rà soát các ý kiến không, thưa Bộ trưởng ?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ban soạn thảo không có quyền, cái đó do Quốc hội quyết định. Vòng 1, Ban soạn thảo trình, vòng 2 là do cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Cơ quan soạn thảo giờ chỉ lắng nghe và thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Hiện nay, mọi người đang hiểu sai và có người cố tình hiểu sai. Cái đúng thì các cơ quan phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa còn cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích.

Phóng viên: Việc thành lập các đặc khu là cần thiết nhưng vẫn có ý kiến quan ngại. Vậy, quan điểm của Bộ trưởng như nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Luật chưa đủ hấp dẫn để thành công thì làm thế nào để Luật ra đời thành công, chứ đừng nghĩ làm thế nào để đỡ sợ. Tôi rất tâm huyết, trân trọng lắng nghe ý kiến của mọi người và tiếp thu. Chẳng hạn, vấn đề làm thế nào để quy định không tạo kẽ hở. Phải mạnh dạn làm và cái gì cần chặt chẽ thì thiết kế cho chặt chẽ, làm thận trọng là đúng nhưng không vì thế mà không làm.

Phóng viên: Vậy theo Bộ trưởng, dự án Luật cần chỉnh sửa như nào để tránh hệ lụy sau này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo tôi, có thể thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn và làm rõ hơn thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép đầu tư. Thứ hai là quy trình chặt chẽ và thẩm quyền cấp phép cũng phải cao hơn. Hiện đang có phương án giảm thời hạn cho thuê đất nhưng chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, phương án cụ thể ra sao thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, môi trường đầu tư tốt mới là điều quan trọng chứ không phải là thời hạn giao đất. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo tôi, quan trọng nhất là thể chế và môi trường kinh doanh. Cụ thể, trong 85 điều thì có 25 điều có điều chỉnh về thể chế và môi trường kinh doanh. Đặc biệt, những ưu đãi về thuế phải có nhưng chỉ ở mức hợp lý và đã được điều chỉnh giảm nhiều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Thậm chí, các ưu đãi tại dự thảo Luật lần này gần như không còn gì nữa. Chúng ta thiết kế theo hướng tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và bình đẳng.

Phóng viên: Cũng có ý kiến cho rằng, không nên đánh đổi an ninh quốc phòng với phát triển kinh tế khi xây dựng các đặc khu? Bộ trưởng đánh giá vấn đề này thế nào?

Bọ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong thiết kế Luật không hề có chủ đích đánh đổi quốc phòng an ninh lấy phát triển kinh tế. Nguyên tắc số 1 khi xây dựng dự án Luật này là không được cao hơn Hiến pháp, ảnh hưởng tới Hiến pháp và không ảnh hưởng tới 4 yếu tố: quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường và người dân.

Đối với các dự án đầu tư vào các đặc khu phải nằm trong quy hoạch, quy hoạch đó không được xâm hại tới an ninh quốc gia, môi trường, người dân và chủ quyền. Dự án phải đi theo quy hoạch, có mục tiêu và chúng ta quản là quản quy hoạch, mục tiêu. Nếu quy hoạch sai thì chắc chắn dự án đó sẽ không được cấp phép, thông qua. Nhà đầu tư nếu xin dự án mà giữ đất thì cũng sẽ bị thu hồi... Tất cả đều đã có luật pháp điều chỉnh.

Phóng viên: Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên thí điểm thành lập 1 đặc khu, sau khi thành công mới nhân rộng. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:Việc thành lập 1 hay 3 đặc khu là do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.


Chinhphu.vn

    Tổng số lượt xem: 828
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)