|
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Vũ Quang Các phát biểu tại Hội nghị
|
Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào Báo cáo tổng kết quy hoạch; Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch; Báo cáo tổng kết kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch; Báo cáo Đánh giá dự báo tác động (RIA) dự thảo Luật Quy hoạch và nội dung của dự thảo Luật Quy hoạch.
Trong những năm qua, công tác quy hoạch đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng được nhu cầu quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch thực sự là nền tảng để định hướng xây dựng kế hoạch và phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và thực sự là công cụ hữu ích giúp Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và địa phương trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, cụ thể là việc lập quá nhiều quy hoạch nhưng không thống nhất, thiếu sự liên kết và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn; Chất lượng quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều và không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện quy hoạch, dẫn đến quy hoạch kém hiệu quả và không khả thi…Nhìn chung, quy hoạch do nhiều cơ quan quản lý, thiếu cơ quan đầu mối, không đảm bảo tính tập trung. Việc phân công, phân cấp chưa phù hợp, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả. Công tác giám sát, kiểm tra chưa được chú trọng, Thông tin quy hoạch thiếu công khai, minh bạch.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch, nhưng thiếu thống nhất, không đồng bộ; Tư duy và nhận thức về quy hoạch còn hạn chế do ảnh hưởng của tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm, bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ chi phối đến công tác quy hoạch. Thiếu sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt trong công tác quy hoạch, thêm vào đó là bộ máy quản lý nhà nuớc về quy hoạch còn thiếu và yếu. Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Từ thực tế trên, xác định tầm quan trọng của công tác quy hoạch với việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhấn mạnh, xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước; Tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là Cơ quan thường trực Ban Soạn thảo Luật Quy hoạch đã tích cưc triển khai nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch với 6 chương và 67 điều.
Theo Báo cáo Đánh giá dự báo tác động (RIA) dự thảo Luật Quy hoạch có 03 phương án xây dựng Luật Quy hoạch được đưa ra, trong đó, phương án ban hành Luật Quy hoạch điều chỉnh tất cả các loại quy hoạch theo hướng tích hợp thống nhất trên cùng một vùng, lãnh thổ được coi là phương án tối ưu vì công tác quy hoạch sẽ được đổi mới toàn diện, triệt để. Đây là phương án sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống quy hoạch Việt Nam. Khi đó Quy hoạch sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính liên kết và sự khớp nối của quy hoạch; khắc phục được tình trạng chồng chéo, mẫu thuẫn của quy hoạch. Đồng thời công tác quản lý nhà nước về quy hoạch được thống nhất từ trung ương đến địa phương và giảm thiểu sự lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều thống nhất sự cần thiết phải có Luật Quy hoạch và đánh giá rất cao phương án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra; đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho các nội dung đã được đưa ra trong Dự thảo Luật Quy hoạch./.
|