(MPI) – Trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, ngày 19/6/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo chuyên đề “Lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành tháng 12/1987 được cộng đồng quốc tế đánh giá là một bước ngoặt quan trọng trong việc thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế của Việt Nam. Sau 30 năm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh những thành công, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số bất cập, thách thức cần giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh giai đoạn phát triển mới đang đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển bền vững.
Đánh giá về vai trò của khu vực FDI, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, khu vực này góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, đẩy nhanh tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư. Thông qua tiếng nói và sự ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài, hình ảnh và vị thế của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Đồng thời, FDI là nguồn bổ sung quan trọng vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là trong giai đoạn đầu Việt Nam mới mở cửa. Những năm gần đây, nguồn vốn FDI thực hiện đã đạt mức trên 17 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, các doanh nghiệp FDI chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. FDI cũng tạo nên giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…Ngoài ra, FDI còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu của các ngành, lĩnh vực theo hướng tích cực.
Tuy vậy, khu vực FDI cũng có những bất cập như trong công nghiệp các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt như kỳ vọng. Đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế hoặc vi phạm các quy định về xử lý môi trường.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2018, Việt Nam thu hút được 25.691 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 179,12 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Đã có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 59,46 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư), thứ hai là Nhật Bản với 50,6 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Singapore, Đài Loan, British Virgin Islands và Hồng Kông.
Về lao động, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Khu vực FDI đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động. Lao động trong các doanh nghiệp FDI tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng có hiệu quả sản xuất kinh doanh khá cao.
Đặc biệt, khu vực FDI có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo lao động có chất lượng. Tốc độ tăng việc làm của khu vực FDI luôn cao, nhất là sau khi gia nhập WTO. Sự có mặt của khu vực này đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra các thành phố, đặc biệt là vào các KCN, KCX lớn. Đồng thời, khu vực FDI cũng góp phần cải thiện nguồn nhân lực. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, từng bước được hình thành và dần tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và có tác phong công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Một bộ phận lao động địa phương được tiếp nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp FDI được bồi dưỡng, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước thay thế được các vị trí quan trọng, chủ chốt của doanh nghiệp.
|
Chủ tọa Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Bổ sung thực trạng lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, FDI đã có đóng góp lớn trong cung cấp vốn đầu tư, tạo việc làm và cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sử dụng phương pháp Shift-Share và số liệu giai đoạn 2006-2016, kết quả tính toán cho thấy đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động bình quân hằng năm của khu vực, khu vực FDI đứng thứ hai (29,3%). Tuy nhiên, đóng góp của khu vực FDI phần lớn do lao động dịch chuyển từ khu vực nội địa năng suất lao động thấp sang khu vực FDI với năng suất lao động tuyệt đối cao hơn (phần đóng góp này chiếm 64%). Đóng góp từ tăng trưởng năng suất lao động của chính khu vực FDI (đã trừ phần đóng góp từ dịch chuyển lao động) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều, chỉ chiếm 36%. Mức độ liên kết ngược và liên kết xuôi giữa khu vực FDI với khu vực nội địa hầu hết đều thấp ở tất cả các ngành, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ và kỹ năng cao. Điều đó cho rằng, khả năng tác động gián tiếp vào năng suất lao động của khu vực FDI thông qua hiệu ứng về công nghệ và kỹ năng lao động thấp. Do vậy, cần lựa chọn ngành trọng điểm để có hướng khuyến khích phát triển phù hợp nhằm gia tăng liên kết và tham gia của khu vực nội địa. Đồng thời, cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ với những hành động cụ thể hơn và nâng cao trình độ đào tạo, kỹ năng của lao động.
Tại Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, trong thu hút đầu tư, Nhà nước cần hình thành các định hướng và chính sách trong lựa chọn, thu hút đối tác đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Chú trọng các đối tác có công nghệ hiện đại, quản trị tốt, ý thức tuân thủ pháp luật cao. Cùng với đó là ưu tiên thu hút các đối tác đầu tư vào một số ngành, sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp thuộc lĩnh vực lao động, việc làm. Đặc biệt, xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Luật việc làm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014... để tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh trong tổ chức và thực hiện các chương trình thị trường lao động, chủ động đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển kinh tế đất nước, phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên... Hoàn thiện và phát triển thị trường lao động trong nước. Kết nối cung - cầu lao động hiệu quả. Tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động để giới thiệu và chắp nối việc làm ở thị trường trong nước với thị trường lao động ngoài nước. Đặc biệt, tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động, nhất là dự báo về xu hướng “sa thải” lao động, xu hướng việc làm của lao động sau khi kết thúc quan hệ việc làm trong khu công nghiệp. Tổ chức lại và nâng cao năng lực của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong công tác cung ứng và tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ khu vực phi chính thức, nông nghiệp, nông thôn, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa... để tăng khả năng thu hút lao động, tăng cơ hội cho lao động sau khi kết thúc quan hệ việc làm trong khu công nghiệp có được việc làm mới tại địa phương, hạn chế các dòng di chuyển lao động không mong muốn, bảo vệ tốt hơn các nhóm lao động… Hỗ trợ người lao động tham gia các chương trình thị trường lao động, hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các hình thức khác để họ được bảo vệ tốt hơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ đánh giá về tình hình lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lao động trong khu vực FDI…Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung về thực trạng vấn đề lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI; Xu thế lao động của thế giới và Việt Nam trong bối cảnh mới; Ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế và đề xuất những giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường chất lượng thực thi.
Hội thảo là dịp để rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tình hình lao động của khu vực doanh nghiệp FDI thời gian qua về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, có tính đột phá, tận dụng tối đa dòng vốn FDI thế giới đang có xu hướng đổ về các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới đã được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng chuyển từ thu hút số lượng sang chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là từng bước chuyển dần thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư