Trong những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Hà Nội ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, để chủ động đối phó với những thách thức trong tình hình mới, các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV cần có những bứt phá mạnh mẽ.
|
DNNVV cần thay đổi để bứt phá trong thời kỳ hội nhập. Ảnh: Diệu Anh |
Hiện, địa bàn Hà Nội có khoảng 232 nghìn doanh nghiệp, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97%, đóng góp hơn 40% GDP cho Thành phố và tạo việc làm cho hơn 50% số lao động. Đội ngũ DNNVV đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhiều doanh nghiệp ngày càng phát triển quy mô, đem lại nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp lớn cho nền kinh tế và xây dựng thương hiệu uy tín như các công ty: May 10, Phú Mỹ, Trung Thành, Kim khí Thăng Long…
Tuy nhiên, nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập sâu thì càng bộc lộ những điểm yếu và hạn chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, ngay cả những điểm vẫn được coi là lợi thế của cộng đồng doanh nghiệp này như cần ít vốn, cơ động và linh hoạt, tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào và giá rẻ... cũng không còn là lợi thế, thậm chí trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế vô cùng quyết liệt.
Trong số các DNNVV của Hà Nội có từ 85 đến 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi vấn đề khó vay vốn của DNNVV chưa được giải quyết rốt ráo, thì câu chuyện tín dụng với doanh nghiệp siêu nhỏ còn nan giải hơn bao giờ hết.
Các doanh nghiệp mới tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Các hộ kinh doanh chưa muốn trở thành các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Hanoisme đã nỗ lực trở thành cầu nối giữa cộng đồng DNNVV với các cơ quan quản lý nhà nước, với các bạn hàng, đối tác… Hiệp hội đã phối hợp các bộ, ban, ngành của Trung ương, các sở, ban, ngành của Thành phố để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tín dụng, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu...
Đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội khối; kết nối doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; tham gia cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
Tiếp tục là “cánh tay nối dài” của Thành phố
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, hiện nước ta đang gia nhập nhiều hiệp định thương mại quốc tế, nhưng các DNNVV chưa quan tâm nhiều đến việc này. Chỉ có những doanh nghiệp lớn, hướng tới xuất khẩu mới quan tâm. Chính vì vậy khi các điều kiện về thuế giảm theo cam kết của các hiệp định thì doanh nghiệp có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Để đứng vững, trong thời gian tới, Hiệp hội DNNVV cần tích cực phối hợp các sở, ban, ngành của Thành phố quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị, điều hành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tạo mối gắn kết giữa các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh sự đồng hành của Hanoisme, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nắm bắt những cơ hội và chủ động đối phó với những thách thức trong tình hình mới.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đỗ Quang Hiển khẳng định, Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại. Phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 400 nghìn doanh nghiệp, đóng góp vào mục tiêu một triệu doanh nghiệp của Chính phủ.
Hiệp hội sẽ tiếp tục là “cánh tay nối dài” của Thành phố, tiếp cận các khó khăn, vướng mắc thực tế của doanh nghiệp, qua đó đề xuất các giải pháp, tham mưu cho thành phố và Trung ương xây dựng các chính sách cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, tinh thần hợp tác, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật; chủ động bắt nhịp với các chuẩn mực của khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa hàng hóa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu...