(MPI) – Sáng ngày 23/5/2018, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Tại phiên họp, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 266/BC-UBTVQH14 ngày 10/5/2018 về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật gửi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Kèm theo Báo cáo có dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 6 chương, 85 điều và 6 Phụ lục, dự thảo Nghị quyết thi hành Luật và các tài liệu khác.
Theo Báo cáo giải trình, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi của Luật và nguyên tắc áp dụng pháp luật, trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật như quy định tại Điều 1 và Điều 2 của dự thảo Luật; Sửa tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh, cụ thể là: “Luật đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”, cụm từ “đơn vị HCKTĐB” được gọi tắt là “đặc khu” để bảo đảm ngắn gọn và thuận tiện trong thực hiện. Đồng thời, làm rõ hơn nguyên tắc áp dụng các luật có liên quan. Luật này chỉ quy định các nội dung đặc thù về cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước tại đặc khu. Những nội dung không được quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Đối với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư không được quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đối với khu kinh tế.
Về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung trong dự thảo Luật một số ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu bao gồm: dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; Sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong. Đồng thời, điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế cho phù hợp với thực tế.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp xây dựng và thống nhất các tiêu chí để tiến hành rà soát tổng thể và chỉnh lý Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu bao gồm 131 ngành, nghề, tăng 23 ngành, nghề so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp 4. Đồng thời, bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước tại từng đặc khu quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khu chức năng thuộc đặc khu nhằm tạo cơ chế linh hoạt trong quản lý, điều hành tại từng đặc khu.
Quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tiếp thu ý kiến ĐBQH để chỉnh lý một cách cơ bản với 11 điều, trong đó phân quyền mạnh mẽ việc xem xét chấp thuận dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu, cũng như cải cách tối đa thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đơn giản, thuận tiện. Cùng với đó là tăng tính công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận và thực hiện các thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh tại đặc khu.
Về một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai, thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích nhiều khía cạnh của chính sách và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu, dự thảo Luật quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu đã được chỉnh lý gồm có HĐND và UBND, vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương, vừa có những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, xử lý công việc nhanh nhạy gắn với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực hiệu quả, công khai minh bạch.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số chính sách mới để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho Chính phủ và các cơ quan, địa phương hữu quan trong quá trình triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính khả thi và sự kết nối giữa dự thảo Luật với các quy định khác của pháp luật.
Để tạo cơ sở triển khai đồng bộ, tích cực công tác chuẩn bị tổ chức thi hành Luật, bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống sau khi có hiệu lực, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật, trong đó, quy định đầy đủ, toàn diện các nội dung về chuyển tiếp, tổ chức triển khai thi hành Luật và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Dự thảo Nghị quyết đã được Chính phủ, các cơ quan và địa phương hữu quan thống nhất trình Quốc hội.
Tại phiên họp, giải trình làm rõ một số vấn đề được ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các ngành nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu được lựa chọn trên cơ sở tiếp cận theo hướng lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực hiện nay đang cạnh tranh và là xu thế chuyển dịch cho làn sóng thứ ba giữa các nước trên thế giới như là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, phát triển khởi nghiệp sáng tạo, các dịch vụ về tài chính, thương mại quốc tế, vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo… Việc rà soát ngành, nghề kinh doanh có điều kiện dựa trên các nguyên tắc: Thứ nhất, không liên quan trực tiếp và ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và sức khỏe Nhân dân. Thứ hai, có thể kiểm soát và quản lý được trong điều kiện của đặc khu đó. Thứ ba, có thể kiểm soát và quản lý bằng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thông qua các phương thức hậu kiểm… Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các ngành, nghề cũng sẽ được cơ quan soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát lại một lần nữa.
Về vấn đề cơ chế chính sách được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ chế chính sách được Dự thảo tiếp cận theo hai hướng, thứ nhất về tạo môi trường thể chế thuận lợi, điều kiện, thủ tục hấp dẫn, nhất quán. Thứ hai, về thuế, đảm bảo miễn, giảm thuế để cạnh tranh được với các nước trên thế giới.
Về thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là một chính sách vượt trội và đồng tình với các ĐBQH là phải quy định rõ ràng, đâu là điều kiện đặc biệt và thận trọng trong quá trình xem xét các dự án gọi là đặc biệt. Về thời hạn sử dụng đất 99 năm, hiện nay trên thế giới cũng có nhiều nước áp dụng như UAE, Ma-lai-xi-a…
Về quy hoạch đặc khu, mỗi đặc khu chỉ có một quy hoạch tổng thể, được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, có tính kết nối với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia, bổ sung các yêu cầu đặc thù đối với nội dung của quy hoạch đặc khu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ thêm một số vấn đề về cấp giấy phép đầu tư, thu hồi đất, tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, kinh doanh casino, nhà đầu tư chiến lược./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư