Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/07/2018-15:54:00 PM
Hội thảo tham vấn “Điều tra doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam”
(MPI) – Để thực hiện cuộc điều tra doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam có hiệu quả và bám sát với thực tế, ngày 04/7/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn “Điều tra doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam”.
Chủ trì Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, mục đích của cuộc điều tra là nhằm tìm hiểu, đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, qua đó kiến nghị định hướng phát triển và đề xuất chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khu vực này.

Thực tế cho thấy, sau 3 năm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo nền tảng pháp lý đầu tiên cho việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp xã hội.

Giới thiệu về mục tiêu nghiên cứu và thảo luận phương pháp điều tra doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, ông Tristan Ace, Quản lý Chương trình doanh nghiệp xã hội toàn cầu của Hội đồng Anh cho biết, mục tiêu của cuộc điều tra nhằm đưa ra bản tóm tắt quy mô và tầm vóc hiện tại của khu vực doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam để có thể đánh giá tác động tương lai Chương trình doanh nghiệp xã hội của Hội đồng Anh và để theo dõi khu vực doanh nghiệp xã hội phát triển trong thời gian tới.

Nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội được thực hiện ở 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm cung cấp dữ liệu cơ sở cho việc giám sát và đánh giá công việc xã hội của Hội đồng Anh thông qua số lượng doanh nghiệp xã hội trong nước; Đóng góp kinh tế của doanh nghiệp xã hội; Lãnh đạo doanh nghiệp xã hội; Tác động của các doanh nghiệp xã hội; Chi tiết chính sách và cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp xã hội;… Đồng thời cung cấp, xây dựng dữ liệu định lượng mới về hoạt động của doanh nghiệp xã hội. Nghiên cứu cũng sẽ tiến hành đánh giá ngắn gọn về hoạt động liên quan đến doanh nghiệp xã hội dưới dạng chính sách quốc gia và giáo dục đại học.

Hội đồng Anh đã thực hiện các nghiên cứu ở các quốc gia Ghana, Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan cho thấy, doanh nghiệp xã hội đang góp phần tạo việc làm cho nhóm người có hoàn cảnh khó khăn, trao quyền cho phụ nữ và giải quyết những vấn đề xã hội. Kết quả điều tra về tỷ lệ nữ lãnh đạo trong doanh nghiệp xã hội so với doanh nghiệp truyền thống tại các nước này cho thấy, tỷ lệ nữ lãnh đạo tại doanh nghiệp xã hội cao hơn nhiều so với doanh nghiệp truyền thống. Ví dụ, tại Ấn Độ, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo doanh nghiệp xã hội chiếm 24%, trong khi các doanh nghiệp truyền thống chỉ chiếm 10,7%. Tại Pakistan tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo doanh nghiệp xã hội chiếm 21% và các doanh nghiệp truyền thống chiếm 11.8%.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Nghiên cứu cũng sẽ tìm cách tạo ra ước tính tổng số doanh nghiệp xã hội hoạt động ở mỗi quốc gia dựa trên việc sử dụng 2 nguồn thông tin chính: Nguồn thông tin thứ nhất, là từ cuộc khảo sát ngắn gọn về một mẫu nhỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để xác định tỷ lệ của các tổ chức này đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp xã hội nghiên cứu, vì dự kiến một tỷ lệ doanh nghiệp xã hội sẽ rơi vào nhóm này. Nguồn thông tin thứ hai được tiến hành khảo sát từ các tổ chức phi chính phủ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra những kiến nghị nhằm thực hiện cuộc điều tra có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển khu vực doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1436
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)