Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/06/2018-15:20:00 PM
Kỳ họp Đại Hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu lần thứ 6 tập trung giải quyết các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững
(MPI) - Từ ngày 23 đến ngày 29/6/2018 tại Thành phố Đà Nẵng, khoảng 1.500 đại biểu là các Bộ trưởng phụ trách môi trường và quan chức cấp cao, lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 183 quốc gia thành viên tham dự các phiên họp trong khuôn khổ Đại Hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) và các sự kiện liên quan, cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc chính thức

Nội dung chính của sự kiện quan trọng này tập trung vào các cách tiếp cận tích hợp trong giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, an ninh môi trường, kinh tế tuần hoàn và lương thực bền vững, rác thải nhựa… trong các khu vực thành viên GEF. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc chính thức ngày 27/6/2018.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động các nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững. Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học...

Phiên họp về “Hợp tác để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030”chiều ngày 27/6/2018 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 được tổ chức với các chuỗi sự kiện bao gồm: Phiên họp Đại hội đồng GEF6; Phiên họp của Hội đồng GEF; Phiên họp bàn tròn cấp cao (14 phiên); Diễn đàn và các cuộc họp của các tổ chức chính trị - xã hội; Các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (17 cuộc họp) và các sự kiện bên lề (khoảng 70 sự kiện), các gian hàng triển lãm, tham quan thực địa các dự án do GEF tài trợ. Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 cũng xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư, đồng thời phê duyệt, phân bổ nguồn lực cho các dự án môi trường trong chu kỳ 7 (giai đoạn 2018-2022).

Tham dự Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 với vai trò được Chính phủ Việt Nam giao là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tiếp cận các nguồn lực quốc tế như GEF, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF),… Tiến sĩ Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có bài trình bày về “Tăng trưởng xanh - Cách thức hợp tác để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 (SDG 2030)” với một số nội dung chính trong phiên họp về “Hợp tác để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030” diễn ra chiều ngày 27/6/2018 như: Lồng ghép SDG vào các chính sách phát triển quốc gia; Huy động sự tham gia của khu vực tư nhân: Vai trò của khu vực tư nhân, những trở ngại và thách thức để thực hiện SDG 2030 thông qua đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh; Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam; Tăng trưởng xanh hỗ trợ việc thực hiện SDG của Việt Nam: Tác động trực tiếp và gián tiếp; Cập nhật tình hình xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh: 7 bộ, cơ quan ngang bộ, 39 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đề xuất các kịch bản giảm phát thải, hoàn thiện thể chế chính sách với các dự án ưu tiên; Các phương án giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải trong đó có ngành hàng không, công nghiệp trong đó có ngành sản xuất xi măng và một số địa phương tiêu biểu thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh như tỉnh Ninh Thuận,… góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; Các dự án về hiệu quả năng lượng với nguồn lực của GCF.

Các đại biểu cấp cao tham dự kỳ họp

Kỳ họp lần này là cơ hội để Việt Nam tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương, đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực như: Ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững; Giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam. Việc Việt Nam được lựa chọn làm quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng nàykhẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

GEF được thành lập năm 1991 nhằm giải quyết các vấn đề nóng về môi trường trên phạm vi toàn cầu. Từ khi thành lập, GEF đã viện trợ 14,5 tỉ USD và huy động thêm 75,4 tỉ USD cho gần 4.000 dự án về môi trường. Với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường. Hiện nay,GEF hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án liên quan tới các lĩnh vực trọng tâm như: Bảo tồn đa dạng sinh học; Biến đổi khí hậu; Các vùng nước quốc tế; Suy thoái đất; Hóa chất và chất thải; Quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp. Đến nay, đã có gần 30 quốc gia cam kết dành 4,1 tỷ USD cho chu kỳ 7 của GEF (GEF7) nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn nữa tương lai của hành tinh và sức khỏe con người.

Kể từ khi hoạt động, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ được 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung. Trong đó, có dự án quốc gia với tổng kinh phí là 153,8 triệu USD và 47 dự án khu vực và toàn cầu với tổng tài trợ là 294 triệu USD. Ngoài ra, còn có 4 dự án từ Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF) cho 2 dự án quốc gia với tổng tài trợ khoảng 8 triệu USD và 2 dự án khu vực/toàn cầu, tổng tài trợ khoảng 1 triệu USD. Trong Chu kỳ 6 của GEF, Việt Nam được phân bổ hơn 26 triệu USD cho 3 lĩnh vực: Biến đổi khí hậu hơn 11 triệu USD, suy thoái đất hơn 1,5 triệu USD và đa dạng sinh học hơn 13 triệu USD. Đến hết năm 2016, Văn phòng GEF Việt Nam đã đồng thuận 15 dự án với số kinh phí trong hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) là 24,6 triệu USD, trong đó GEF toàn cầu đã đồng thuận 6 dự án với tổng số kinh phí trong STAR là hơn 18,8 triệu USD.Ngoài ra, trong chu kỳ này, GEF còn tài trợ cho Việt Nam gần 15 triệu USD đối với các lĩnh vực: Hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp.

Việt Nam là một trong những thành viên sớm gia nhập GEF (ngày 05/12/1994), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới của GEF như: Xây dựng các dự án tổng hợp đa lĩnh vực, tham gia có hiệu quả các diễn đàn và các hoạt động đánh giá các dự án của GEF.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1912
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)