(MPI) – Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Braxin, ngày 03/7/2018 (theo giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Thương mại - Đầu tư Việt Nam - Braxin.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI
|
Braxin là nền kinh tế lớn nhất và đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Năm 2017, trao đổi thương mại song phương đạt 3,87 tỷ USD, tăng gần 12 lần trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, hợp tác đầu tư giữa hai nước còn rất khiêm tốn.
Việt Nam được đánh giá là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực, thu hút khoảng 320 tỷ USD vốn FDI từ 127 nền kinh tế, quy mô thương mại năm 2017 đạt 425 tỷ USD. Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, xe máy, nông nghiệp và thủy sản…
Việt Nam và Braxin có nhiều lĩnh vực, sản phẩm mang tính bổ trợ cao cho nhau như năng lượng, hàng không, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, y tế, sinh học, khai khoáng... Braxin có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước khu vực Nam Mỹ và Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Braxin tiếp cận thị trường Đông Nam Á, đồng thời một thị trường lớn hơn khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam cam kết giữ vững ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics, chi phí cơ hội và chi phí hành chính, xây dựng môi trường - chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, có tính dự báo cao, minh bạch và trách nhiệm giải trình với cộng đồng kinh doanh.
Năm 2017, Ngân hàng Thế giới công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 68/190 quốc gia, tăng 30 bậc so với 2012; Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam đứng thứ 55/137 quốc gia. Theo công bố của Eurocham ngày 02/3/2018, 62,3% doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đạt kết quả tốt và rất tốt; 85,4% doanh nghiệp sẽ duy trì và mở rộng đầu tư. Theo khảo sát của Tổ chức Thương mại Nhật Bản công bố ngày 06/02/2018, có 61,5% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, gần 70% doanh nghiệp có ý định mở rộng kinh doanh.
Với mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, bao trùm, Việt Nam nỗ lực đến năm 2020, GDP tăng bình quân 6,5 - 7%/năm, quy mô GDP đạt 350 tỷ USD, kim ngạch thương mại khoảng 600 tỷ USD. Để đạt được các mục tiêu phát triển, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục cải cách thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực... Khơi dậy mọi tiềm năng, kết hợp hài hòa sự năng động của khu vực tư nhân trong nước với tiềm lực của khu vực FDI nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược với tính kết nối toàn cầu, dân số tiệm cận 100 triệu người vào năm 2020 với cơ cấu dân số vàng 60% trong độ tuổi lao động, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, chi phí đầu vào cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp mạnh mẽ với tính kết nối quốc tế thuận lợi, những chính sách phát triển kinh tế - ưu đãi đầu tư hấp dẫn đang được định hình... Việt Nam có 325 khu công nghiệp, 17 khu kinh tế ven biển. Tất cả những lợi thế và nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam duy trì vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn mang tầm chiến lược đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đã ký 12 hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), kỳ vọng đến năm 2020 Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc Nhóm G20.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Braxin trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan đến đầu tư của mỗi nước, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Phối hợp triển khai các chương trình hợp tác trong xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước. Chính phủ hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi. Tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh nhằm nâng tầm quan hệ thương mại - đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Vương Đình Huệ mong muốn, các doanh nghiệp Braxin sẽ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, nông - lâm - thủy sản, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược phẩm, sinh học, xây dựng, dịch vụ..., cũng như tham gia đối tác chiến lược vào các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã, đang và sẽ cổ phần hóa, thoái vốn.
Với đại diện của hơn 40 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng hợp tác, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Braxin sẽ kết nối hợp tác để xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu. Khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi cởi mở các vấn đề doanh nghiệp Braxin quan tâm và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Braxin tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại Việt Nam.
Diễn đàn là sự kiện kinh tế lớn nhất giữa hai nước từng được tổ chức tại Braxin với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm nghiêm túc và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước về mối quan hệ hợp tác kinh tế có nhiều dư địa để mở rộng, phát triển hơn giữa Việt Nam và Braxin trong giai đoạn tới.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ cởi mở, những bình luận, đề xuất các ý tưởng nhằm giúp các cơ quan chức năng hai nước đưa ra tầm nhìn, định hướng về những giải pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Braxin.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Vũ Đại Thắng đánh giá cao những nội dung trao đổi và thảo luận tại Diễn đàn về những lĩnh vực có ý nghĩa thiết thực, cho thấy tiềm năng hợp tác to lớn giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong tổng thể bức tranh hợp tác kinh tế giữa hai nước. Qua đó, góp phần định hình những giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại song phương hiệu quả hơn, thực chất trong tương lai.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng mong muốn các doanh nghiệp Braxin tiếp tục quan tâm tăng cường đầu tư, giao thương với Việt Nam dựa trên lợi thế và thế mạnh của mình trên tinh thần bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện với doanh nghiệp, có độ mở cao và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp Braxin được tiếp cận những cơ hội tiềm năng, hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư