Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/07/2018-17:16:00 PM
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
(MPI) – Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 05/7/2018, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã có bài trình bày tham luận “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, năm 2017, dân số Việt Nam hơn 93 triệu người, xếp thứ 14 trên thế giới. Quy mô nền kinh tế khoảng 220 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới, với thu nhập trên đầu người trên 2300 USD, xếp thứ 134 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm gần đây.

Năm 2016, Chỉ số HDI xếp thứ 115/188 quốc gia và GINI đạt 0,43. Các xếp hạng về Năng lực cạnh tranh, Năng lực đổi mới sáng tạo và Chính phủ điện tử đều có cải thiện đáng kể về điểm số. Tốc độ tăng trưởng cao, quy mô dân số lớn nhưng chỉ số Năng lực cạnh tranh, Đổi mới Sáng tạo còn thấp, đòi hỏi Việt Nam cần phải tích cực thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035, Chương trình nghị sự 2030 và Nghị quyết số 19. Đây là 3 nội dung vừa thực hiện hằng năm, vừa có tính dài hạn, phải có sự tham gia và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan.

Báo cáo Việt Nam 2035 là Báo cáo thứ 2 trên Thế giới có sự phối hợp giữa một Chính phủ và Nhóm Ngân hàng thế giới. Báo cáo đưa ra khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 đó là thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm.

Khát vọng đó được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên 3 trụ cột: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội và Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.

Báo cáo đã phân tích sâu 06 chuyển đổi lớn của nền kinh tế bao gồm: Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; Xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; Nâng cao hiệu quả kinh tế trong đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; Đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; Thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả. Báo cáo cũng đưa ra 183 khuyến nghị về các lĩnh vực thể chế, kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, qua kết quả rà soát việc thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 trong thời gian qua cho thấy, có 31 khuyến nghị được đưa vào các văn bản chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; 142 khuyến nghị đã có trong các văn bản chính sách đã được ban hành những năm gần đây; 10 khuyến nghị chưa được đưa vào văn bản chính sách chủ yếu nằm ở Chuyển đổi “Xây dựng thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả”, các khuyến nghị này chủ yếu ở mức “ý tưởng” nên cần nghiên cứu thêm để có thể chuyển thành các hành động chính sách thích hợp.

Như vậy, có thể thấy hầu hết các khuyến nghị đã được tiếp thu, được lồng ghép vào các chính sách nhưng hiệu lực, hiệu quả của các chính sách cần tiếp tục được cải thiện. Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu, lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật và cần có các ý kiến đóng góp của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực hiện.

Thông tin về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tình hình thực hiện ở Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, tháng 9/2015, các quốc gia trên thế giới đã thống nhất thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững thực hiện cho giai đoạn 2015-2030. Đây là một chương trình mang tính phổ quát, áp dụng cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Thực hiện cam kết quốc tế, năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Kế hoạch hành động gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững bao quát các vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường, thể chế, hòa bình, tiếp cận công lý cho mọi người và mối quan hệ đối tác cho sự phát triển bền vững. Việt Nam đã đề ra 115 mục tiêu cụ thể, phản ánh 150/169 mục tiêu của toàn cầu (một số mục tiêu không áp dụng vì không phù hợp với bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam).

Trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững; Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển. Các bộ, ngành cơ quan, địa phương có nhiệm vụ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong năm 2018 đã có 6 bộ và 23 tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của UN và GIZ.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả rà soát tính khả thi của 232 chỉ tiêu thống kê SDG toàn cầu cho thấy, việc thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu này liên quan đến 21 bộ, ngành, có 156 chỉ tiêu khả thi cho Việt Nam trong đó có 33 chỉ tiêu đã được quy định trong danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật thống kê 2015.

Trong khuôn khổ Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam tại Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững năm 2017, Việt Nam đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, để có được những kết quả trên nhờ có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và các bên liên quan, đặc biệt sự đóng góp rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Việt Nam mong rằng, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra vào năm 2030.

Liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, có thể nói đây chính là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2014. Nghị quyết 19, sử dụng các nguyên tắc đánh giá theo thông lệ quốc tế, trong đó có những nội dung được thực hiện hằng năm, nhưng có những nội dung phải theo giai đoạn. Hằng năm, có điều chỉnh về phương pháp đánh giá và bổ sung những chỉ tiêu phù hợp… Tại Nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu. Đồng thời, xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.

Trong 04 năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất. Ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng: Năng lực cạnh tranh đạt thứ hạng 55/137, tăng 5 bậc so với năm 2016; Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với 2016; Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016).

Về cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, đến nay, mới chỉ có 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ và đơn giản hóa. Từ nay đến thời hạn phải ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (ngày 31/10/2018) là 4 tháng, nhưng tiến độ thực hiện nhiệm vụ này của các bộ, ngành còn chậm, một số bộ chưa tích cực. Do vậy, để đạt được mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh đòi hỏi các Bộ trưởng phải quan tâm và đẩy nhanh việc thực hiện.

Nhìn chung, các bộ, cơ quan đã quan tâm tới việc thực hiện Nghị quyết 19. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Sự quan tâm và mức độ quyết liệt chưa đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương. Vẫn có hiện tượng “Trên nóng dưới lạnh”, “Nóng lạnh không đều”. Tốc độ cải thiện còn chậm, nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. Chưa đề cập đến thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, chưa có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh.

Do vậy, trong thời gian tới đây, việc thực hiện các nội dung về Báo cáo Việt Nam 2035, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Nghị quyết 19, đặt ra những thách thức: Nhận thức về việc triển khai các nội dung đã được nâng cao trong các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp nhưng sự quan tâm và mức độ quyết liệt chưa đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương. Ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với nền tảng cơ bản là công nghệ kỹ thuật số và các ngành kinh tế kỹ thuật số, được dự báo vô cùng lớn, mang lại cả thách thức cũng như cơ hội cho các quốc gia. Năng lực hay hiệu quả các hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện trong thời gian qua, tuy nhiên một số yếu tố cấu thành năng lực này cho thấy vẫn còn hạn chế. Tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn lực trong nước hạn chế.

Như vậy, về cơ bản, Việt Nam đã xác định được tầm nhìn, mục tiêu phấn đấu và tổ chức thực hiện cần tập trung khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, đánh giá thường xuyên để điều chỉnh kịp thời việc triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Báo cáo Việt Nam 2035 và Nghị quyết 19. Nhận thức đúng vai trò quan trọng của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, phấn đấu đạt chỉ tiêu số doanh nghiệp trên đầu người đạt mức trung bình của ASEAN. Tập trung vào các lĩnh vực Đổi mới sáng tạo, Khởi nghiệp ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2251
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)