(MPI) - Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 04/7/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6272/VPCP-QHQT về việc tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về một số nội dung, quan điểm về 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước khi họp tổng kết.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong tuần đầu tháng 10/2018 (ngày 04/10/2018). Việc tổ chức Hội nghị cần chú trọng công tác tổng kết, đánh giá thực chất về hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sau 30 năm, tạo tiền đề để tạo sự đồng thuận chung về cách nhìn nhận, đánh giá khách quan về hoạt động đầu tư nước ngoài, phát huy được những mặt tích cực, cố gắng hạn chế, giảm thiểu những mặt tiêu cực, từ đó kiến nghị việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, ban hành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, phải kết hợp xúc tiến đầu tư.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 326,3 tỷ USD từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD, bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp quan trọng vào xuất khẩu, tạo nên giá trị xuất khẩu lớn. Ngoài ra, FDI góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp có vốn FDI đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp. Đồng thời, góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh. Cùng với bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, là khu vực phát triển năng động, ngày càng có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư