(MPI) – Ngày 20/7/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư công dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân trình bày về quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư công, tổng hợp những ý kiến tiếp thu, giải trình của các bộ, ngành, địa phương và một số nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu. Đồng thời cho biết, việc sửa đổi luật này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và chủ trương cơ cấu lại đầu tư công mà Bộ Chính trị, Quốc hội đã đề ra, đặc biệt là chỉ đạo tại Nghị quyết số 05-NQ/TW. Áp dụng mạnh mẽ hơn các nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm cá nhân và lựa chọn dự án đầu tư dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Thay đổi cơ bản công tác lập và thẩm định dự án đầu tư công, tiếp cận theo thông lệ tốt trên thế giới, dựa trên việc thực hiện ước tính định lượng hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất giữa các luật quản lý đầu tư công, đặc biệt giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai. Nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tháo gỡ các khó khăn liên quan đến những điểm chưa hợp lý được quy định trong Luật Đầu tư công liên quan đến: Lập kế hoạch đầu tư công, trình tự phê duyệt, ra quyết định và điều chỉnh chương trình - dự án đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình - dự án đầu tư công, giải ngân kịp thời và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước. Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công. Gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn hẹp của nhà nước, tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân, trong và ngoài nước, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Đầu tư công, ông Trần Quốc Phương đưa ra các nhóm giải pháp chính sách cần thực hiện trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư công về nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Điều chỉnh trình tự thủ tục lập, thẩm định, quyết định và giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường hậu kiểm, giảm bớt tiền kiểm. Quy định lại việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để đẩy mạnh giải ngân, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.
Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, phân cấp mạnh mẽ đi đôi với trách nhiệm giải trình; Lập kế hoạch bám sát tình hình thực tế phù hợp với nguồn lực và điều kiện cụ thể; Đồng bộ, thống nhất giữa các Luật quản lý đầu tư công; Giải quyết các đặc thù về nguồn vốn và quy mô dự án khác nhau; Công khai, minh bạch, công bằng, trong đó có xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá và cơ sở dữ liệu về quản lý đầu tư công.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu đơn vị được giao chủ trì soạn thảo phải tổng hợp, rà soát tất cả những bất cập của Luật Đầu tư công để sửa đổi một cách toàn diện, đưa ra được những tư tưởng về quản lý hiệu quả nguồn lực đầu tư công để thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của trung ương cũng như các đề án, kế hoạch về đầu tư công. Dự thảo Luật phải được xây dựng, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, công khai, dễ thực hiện nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, nợ đọng, thất thoát, lãng phí. Đồng thời, phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chịu trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công.
Trong quá trình xây dựng, sửa đổi phải bám sát vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như những bất cập trong thực hiện các chương trình, mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia. Đổi mới công tác kế hoạch hóa, đăng ký vốn, giao vốn. Quản lý chặt chẽ quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư…
Về chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu đơn vị soạn thảo phải rà soát để đảm bảo tính chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư để tránh quyết định tùy tiện, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ. Phân loại tính chất dự án, quy mô dự án và có các quy trình khác nhau để phù hợp với quy mô và tính chất của dự án. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện đầu tư công.
Luật Đầu tư công được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, tạo ra công cụ quan trọng để bảo đảm việc quản lý đầu tư công được công khai, minh bạch, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí. Đây cũng là căn cứ pháp lý để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, chịu trách nhiệm cá nhân, nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công và lựa chọn dự án đầu tư dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư