(MPI) – Ngày 07/8/2018, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật PPP lần thứ nhất. Tham dự buổi họp có đại diện các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì buổi họp. Ảnh: Minh Hậu (MPI) |
Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Trong đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển. Rà soát, đơn giản hóa các chính sách và pháp luật khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư với nhiều hình thức đầu tư, đặc biệt là đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm quan trọng.
Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về PPP theo hướng minh bạch, ổn định, bình đẳng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị và dịch vụ công thông qua các hình thức hợp đồng PPP phù hợp như: BOT, BT, BTO,…
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Tổ trưởng Tổ Biên tập cho biết, định hướng các nhóm chính sách trong dự thảo Luật PPP được xây dựng dựa trên phân tích thực trạng trong nước về tình hình thực hiện dự án PPP, những vướng mắc giữa các Luật về PPP. Đồng thời, tổng kết kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng khung pháp lý về PPP, thực hiện dự án PPP tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ,…và khuyến nghị chung của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), UNCITRAL,…
Để triển khai xây dựng Luật, ngày 02/5/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng chủ trì với WB tổ chức Đối thoại hợp tác phát triển về PPP lần thứ nhất, tạo kênh đối thoại, hỗ trợ giữa các nhà tài trợ và các bộ, ngành, địa phương về PPP, tập trung xây dựng chính sách và nghiên cứu, lập dự án. Tại Đối thoại, WB đã cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể cho chương trình PPP.
|
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Tổ trưởng Tổ Biên tậptrình bày tại buổi họp. Ảnh: Minh Hậu (MPI) |
Tại buổi họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Soạn thảo đã thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật; Quy trình thực hiện dự án; Nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án; Các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư; Việc thanh tra, hậu kiểm chế tài xử phạt; Phân công nhiệm vụ và tiến độ xây dựng PPP theo yêu cầu tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 10/5/2018 về Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2018 và trình tự, thủ tục tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính khả thi của việc xây dựng Luật về PPP có chất lượng.
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đầu tư theo hình thức PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Cùng với đó, cần phân biệt giữa phạm vi đầu tư theo hình thức PPP và đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đầu tư tư nhân.
Về quy trình thực hiện dự án, vấn đề bất cập hiện nay là trình tự, thủ tục chung về đầu tư PPP đã được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 về đầu tư theo hình thức PPP, tuy nhiên nhiều bước trong quá trình xây dựng phụ thuộc vào quy định của các luật nhưng chưa phù hợp với dự án PPP. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết kế quy định về trình tự, thủ tục tại Luật PPP và Nghị định hướng dẫn, đồng thời quy định nguyên tắc trường hợp có quy định khác giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục thì áp dụng Luật PPP.
Về nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án, quy định về loại nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án đã có tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể hơn về cách thức lập, giải ngân, tổ chức thực hiện xuyên suốt. Để giải quyết những bất cập này, Luật cần quy định cụ thể về nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án.
Căn cứ bối cảnh xây dựng chính sách và các kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc xây dựng được khung pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút, hấp dẫn được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các nhóm chính sách được Chính phủ thông qua để xây dựng dự án Luật là nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với dự án PPP, công khai, minh bạch thông tin, quy trình, thủ tục thực hiện dự án và các biện pháp thu hút đầu tư.
Trong đó, mục tiêu chính của hầu hết các nước trong việc thực hiện dự án PPP là đạt được hiệu quả trong cung cấp các công trình cơ sở hạ tầng và dịch vụ đi kèm. Do vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP, cần đưa ra được các công cụ hỗ trợ các bên đảm bảo tính hiệu quả đầu tư trong suốt quá trình triển khai một dự án PPP từ bước chuẩn bị đầu tư đến xây dựng, vận hành dự án. Để đạt được mục tiêu này, ba nhóm chính sách được xem xét, đánh giá tác động, gồm: quy định khung nguyên tắc hoặc bộ tiêu chí chung để lựa chọn sơ bộ dự án; Xây dựng công cụ hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân tích đánh giá hiệu quả của dự án một cách chính xác, gắn với trách nhiệm giải trình; Xây dựng công cụ hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám sát quản lý hợp đồng.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP, mục tiêu chính của nhóm chính sách là xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên trong quá trình thực hiện dự án, bao gồm cả các cơ quan hậu kiểm. Đồng thời, có chế tài xử lý tương ứng khi các cơ quan này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
Một trong những nền tảng của cơ chế giải trình trách nhiệm là việc công khai các thông tin một cách kịp thời và toàn diện. Với mục tiêu công khai, minh bạch mọi thông tin về dự án PPP, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đến giai đoạn thực hiện hợp đồng, Luật PPP bên cạnh việc ban hành chính sách cần phải có công cụ hỗ trợ để đảm bảo quản lý thông tin hiệu quả, từ đó nâng cao tính minh bạch. Hai nhóm chính sách được xem xét, đánh giá tác động, bao gồm: Ứng dụng đấu thầu qua mạng đối với lựa chọn nhà đầu tư và quy định chế độ báo cáo định kỳ, làm căn cứ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về PPP.
Về trình tự, thủ tục đầu tư, do tính chất đặc thù khi có sự tham gia đầu tư của cả Nhà nước và nhà đầu tư, theo thông lệ quốc tế, việc chuẩn bị đầu tư cho một dự án PPP thường rất kỹ lưỡng để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, đặc biệt các nội dung về phân chia trách nhiệm của các bên trong hợp đồng và cơ chế chia sẻ rủi ro luôn được chú trọng nghiên cứu do các loại hợp đồng trong PPP tương đối đa dạng. Do vậy, mục tiêu chính của chính sách này là ban hành quy định trình tự, thủ tục đầu tư phù hợp để đảm bảo hài hòa giữa thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án.
Về các biện pháp thu hút đầu tư, kinh nghiệm thực hiện chương trình PPP thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Phi-líp-pin cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện PPP, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể về các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các dự án PPP bên cạnh các hình thức ưu đãi đầu tư thông thường như ưu đãi về thuế, đất đai. Theo đó, các quốc gia nên trên đã thiết lập các cơ chế như: Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính (Quỹ VGF), quỹ dự phòng dành cho bảo lãnh Chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu… Do vây, Luật PPP cần có các ưu đãi, chính sách hỗ trợ phù hợp trên cơ sở một số nguyên tắc nhất định, đồng thời lưu ý các chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án như: Giải phóng mặt bằng, cơ chế huy động vốn cho dự án, đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án, chia sẻ rủi ro.
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây là một dự án Luật mới, khó, liên quan đến nhiều vấn đề về quan điểm, luật pháp hiện hành và khó trong thực tiễn. Trong nước, các dự án đã thực hiện nhiều năm và đạt được môt số thành tựu nhất định, nhất là trong lĩnh vực giao thông, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng trong 3 năm trở lại đây, kết quả đạt được còn khiêm tốn.
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Hội nghị lần thứ 4, khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 hiện đang được thực hiện rất chậm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các động lực mới cho phát triển trong giai đoạn tới có chủ trương nhưng các động lực cụ thể như năng lực cạnh tranh, hạ tầng còn hạn chế, dẫn đến nhu cầu cho đầu tư nói chung, nâng cao năng lực cạnh tranh để làm động lực mới cho nền kinh tế, chuẩn bị cho giai đoạn tới. Đây là vấn đề rất lớn đối với nền kinh tế, mà ngân sách của Việt Nam rất hạn hẹp, trong kế hoạch 5 năm vừa qua chỉ đáp ứng được 50 %. Vấn đề đặt ra là làm sao phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tránh tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại và không trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thiết phải huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP để huy động nguồn lực xã hội. Với hệ thống pháp luật, phải cải thiện quy trình, thủ tục riêng để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. 5 nhóm chính sách đưa ra trong nội dung dự thảo Luật đã bao phủ tương đối các vấn đề nội hàm và được thống nhất trong cuộc họp.
Về tiến độ xây dựng Luật PPP theo yêu cầu tại Nghị quyết số 54/NQ-CP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, chưa có các yếu tố để trì hoãn, xin lùi dự án Luật. Vì vậy, phải quyết tâm, đồng tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, các bộ, ngành phải tham gia ngay từ đầu và phối hợp chặt chẽ.
Với quyết tâm xây dựng Luật một cách chuyên nghiệp, bài bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành phải chủ động nghiên cứu, Tổ Biên tập rà soát, tổng hợp ý kiến và thống nhất quan điểm, phạm vi và tiến độ thực hiện. Đồng thời, có kế hoạch truyền thông chi tiết để các Đại biểu Quốc hội được tiếp cận thông tin về dự án Luật trước khi trình Quốc hội./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư