(MPI) – Ngày 08/8/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc”. Tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học, nghiên cứu viên, chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách…
|
Toàn cảnh buổi Tọa đàm khoa học. Ảnh: Mai Phương (MPI) |
Tiếp theo những thành công trong năm 2017, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro. Tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư công chưa thể hiện những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, nền kinh tế đang đứng trước nhiều bất ổn từ bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng Mỹ - Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Chia sẻ tại Tọa đàm về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2018, dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm và thách thức trong điều hành kinh tế vĩ năm 2018, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban, Ban Phân tích và Dự báo, NCIF cho biết, dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2018 còn nhiều thách thức, trong đó lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần, không có động lực mới bổ sung. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa thấy tác động rõ nét, nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn. Do vậy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây nhưng đang có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ.
Lạm phát và tỷ giá của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đang chịu áp lực lớn. Điều này, đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu. Đồng thời, chính sách bảo hộ thương mại chưa có tác động rõ nét nên cần tiếp tục cập nhật để đánh giá tác động, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như các chính sách bảo hộ của các quốc gia khác.
NCIF dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 tăng 6,83%, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,54%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,89%, dịch vụ tăng 7,36%, lạm phát bình quân từ 4 - 4,2%.
Về tình hình kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, NCIF nhận định, địa chính trị, biến động phức tạp sẽ làm xu hướng đa cực diễn ra nhanh hơn, với các sự kiện như Mỹ thực hiện nhiều chính sách đối ngoại mới nhằm củng cố vị thế; Nhật Bản thúc đẩy thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Triều Tiên tìm kiếm cơ hội hoà bình; Chiến lược “Vành đai và con đường” (BRI) của Trung Quốc và sự kiện Brexit…
Luật thuế mới của Mỹ có thể có tác động đến đầu tư của Mỹ tại Việt Nam trên một số góc độ. Thứ nhất, do thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh 21% và áp thuế với khoản lợi nhuận phát sinh từ nước ngoài, các công ty Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam có thể xem lại các chiến lược đầu tư ở Việt Nam hoặc có thể rút lợi nhuận từ Việt Nam để chuyển hoạt động về Mỹ, thay vì tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nếu có sự chuyển hướng đầu tư tác động lớn sẽ tập trung vào dòng FDI đang tận dụng lợi thế chi phí rẻ của Việt Nam hơn là dòng FDI đầu tư vào các tài sản chiến lược hoặc đầu tư với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường. Cơ cấu đầu tư của Mỹ ở Việt Nam tập trung nhiều hơn vì thế có thể tác động trực tiếp là không lớn. Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương, nổi bật là CPTPP, tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam từ các nước khác. Thứ hai, xu hướng giảm thuế của Mỹ có thể gây ra làn sóng giảm thuế của một số nước khác hoặc các ưu đãi khác nhằm giữ doanh nghiệp Mỹ ở lại. Từ đó làm cho sức cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm tương đối. Bằng chứng mới nhất là Trung Quốc đã thông báo sẽ tạm thời miễn thuế cho các công ty Mỹ để ngăn các công ty này rút lợi nhuận khỏi Trung Quốc.
Về chính sách điều hành trong hành thời gian tới, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường thu hút FDI từ Mỹ, tăng cường năng lực công nghệ để thu hút FDI công nghệ cao. Đồng thời, áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm đề phòng hiện tượng thoái vốn, chuyển vốn các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam để ứng phó với các biện pháp tăng cường bảo hộ thương mại từ Mỹ, ứng phó với các tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và kiểm soát lạm phát do giá cả hàng hóa tăng, chủ động đối phó với các biến động về tỉ giá.
Thảo luận tại Tọa đàm, các chuyên gia đều đánh giá cao các kịch bản dự báo kinh tế mà NCIF đã đưa ra. Đồng thời, cũng góp ý bổ sung về việc phân tích sâu hơn một số khía cạnh, vấn đề trọng yếu ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và đặc biệt là nhóm nghiên cứu cần đưa ra được các chính sách cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. /.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư