Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/08/2018-21:24:00 PM
“Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”
(MPI) – Đây là chủ đề của Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2018 đã diễn ra ngày 08/8/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh do Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cùng các diễn giả, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Diễn đàn M&A lần thứ 10 diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đặc biệt là các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tranh thủ mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... Đây chính là những nhân tố chính sách quan trọng, có tác động trực tiếp tới sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc
Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lê Trọng Minh nhấn mạnh, năm 2018 đánh dấu tròn một thập kỷ kể từ khi Diễn đàn M&A Việt Nam lần đầu tiên diễn ra. Những thông tin, kinh nghiệm được phân tích, thảo luận và chia sẻ, cùng với các hoạt động kết nối đầu tư diễn ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên đã đóng vai trò hữu ích trong quá trình thực hiện thành công của gần 4.000 thương vụ M&A tại Việt Nam kể từ năm 2009.

Tại Diễn đàn này, với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”, các diễn giả và chủ tọa sẽ cùng thảo luận, phân tích sâu về những cơ hội mở ra trong một kỷ nguyên mới của M&A tại Việt Nam trên nền tảng là những chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… cùng với lòng tin của cộng đồng doanh nhân vào môi trường kinh doanh đang được củng cố mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trong 10 năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là của khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế. Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỷ USD, trong đó, riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục là 10 tỷ USD.

Cùng với quá trình cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã không ngừng được hoàn thiện, đáng chú ý là Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường M&A tại Việt Nam. Đây là một xu thế khách quan và tất yếu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Diễn đàn M&A lần thứ 10 trở thành một dịp đặc biệt, không chỉ là nhìn lại chặng đường 10 năm thành công và thất bại để rút ra các bài học kinh nghiệm tốt, mà còn thảo luận những khuyến nghị chính sách mới, đặt trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo nên bước ngoặt mới cho sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Diễn đàn được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị toàn quốc Tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam mong muốn sẽ nhận được các khuyến nghị hữu ích tại Diễn đàn này nhằm hoàn thiện pháp luật, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam một cách hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên 4.0.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh dựa trên nguyên tắc là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính Phủ giao 3 nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất là xây dựng Chiến lược quốc giá về cách mạng công nghiệp 4.0, có tác động to lớn, nhưng lại là cơ hội vàng cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam có thể tăng tốc, phát triển và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Thứ hai, tận dụng cơ hội từ khả năng đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển trong thời đại 4.0. Thứ ba là vấn đề nhân lực. Người Việt tài năng có mặt trên khắp thế giới, nắm nhiều vị trí quan trọng ở các trung tâm nghiên cứu, ở các tập đoàn lớn... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc thiết lập mạng lưới kết nối các tri thức Việt Nam ở nước ngoài và tri thức trong nước để cùng đóng góp, nghiên cứu, phát triển và phục vụ cho các yêu cầu mới. Ngày 18-24/8/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức công bố Mạng lưới đổi mới công nghệ quốc gia tại Hà Nội, sau đó sẽ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, M&A vô cùng quan trọng vì Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bán bớt vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp nhà nước… Quá trình tái cơ cấu này cũng tạo điều kiện cho các thương vụ M&A phát triển và ở chiều ngược lại các thương vụ M&A cũng giúp quá trình tái cơ cấu của Việt Nam thành công. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, khi việc thu hút, giải ngân vốn FDI vẫn diễn ra rất sôi động, là nền tảng tốt cho M&A. Bên cạnh đó, đầu tư gián tiếp vẫn có mua ròng, không có hiện tượng rút vốn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Diễn đàn. Ảnh: MPI

Để bảo đảm cho các thương vụ M&A nói riêng và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nói chung diễn ra thuận lợi, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống pháp luật như: Luật các tổ chức tín dụng, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư… và sắp tới là sửa đổi Luật chứng khoán… nhằm bảo đảm khung khổ thể chế kinh tế, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển 5 loại thị trường là: Thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường vốn, thị trường bất động sản và thị trường hàng hoá dịch vụ, đẩy mạnh cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1232/QĐ-TTg vào tháng 8/2017 về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 và Quyết định số 991/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020. Đây là các dữ liệu quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc, xây dựng chiến lược thực hiện mua cổ phần, vốn tại các doanh nghiệp quan tâm. Riêng trong năm 2018, sẽ có hàng loạt các công ty phát điện (GENCO) của EVN sẽ cổ phần hóa. Bên cạnh đó là các công ty Thuốc lá Việt Nam, Vinacafe, Tập đoàn Cao su, Hóa chất…

Bên cạnh các doanh nghiệp, dự án cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, hơn 10 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các khu vực, nền kinh tế khác trên thế giới sẽ tạo ra làn sóng đầu tư, M&A quy mô lớn hơn tại Việt Nam. Đặc biệt, Diễn dàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Hà Nội sẽ là các cơ hội trực tiếp hoạt động M&A.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển các dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm toán, định giá, xây dựng các mô hình kinh doanh, đầu tư mới trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển nhanh mạnh mẽ, đang dần thay đổi các mô hình kinh tế truyền thống hiện nay.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra ba phiên thảo luận, gồm: Sức bật của thập kỷ; Sức hút thị trường 100 triệu dân; Chiến lược M&A tăng trưởng đột phá. Tại các phiên thảo luận, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các diễn giả đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường M&A Việt Nam khi kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng ổn định, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện và Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương.

Diễn đàn M&A thường niên đã góp phần trong việc kết nối các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với các hoạt động M&A đang ngày càng phát triển ở Việt Nam. Cùng với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, diễn giả hàng đầu quốc tế và trong nước, Diễn đàn đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách quan trọng, giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý và phát triển đối với hoạt động M&A./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3252
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)