(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 13/4/2018 về việc thành lập Tổ công tác triển khai thi hành Luật quy hoạch, ngày 10/8/2018, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Tổ công tác triển khai thi hành Luật quy hoạch dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng.
Tại cuộc họp, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành viên Thường trực Tổ công tác báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác. Theo Báo cáo, về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn, Tổ đã rà soát, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có liên quan đến quy hoạch đảm bảo sự đồng bộ với Luật này và đã được Quốc hội đã thông qua ngày 15/6/2018. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi các luật còn lại liên quan đến quy hoạch báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo thủ tục rút gọn.
Theo Báo cáo, qua tổng hợp số liệu cung cấp của 21/22 Bộ, ngành và 60/63 địa phương về số lượng quy hoạch đã và đang triển khai thực hiện thì số lượng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt và đang còn hiệu lực là 9.519 quy hoạch (Trong đó thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: 320 quy hoạch; Thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng các Bộ, ngành là: 325 quy hoạch; Thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp địa phương là: 8.874 quy hoạch).
Số lượng quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh nhưng chưa được thẩm định là 1.491 quy hoạch (Trong đó thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: 46 quy hoạch; thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng các bộ, ngành là: 60 quy hoạch; Thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp địa phương là: 1.385 quy hoạch).
Số lượng quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh và đã thẩm định xong nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt là 657 quy hoạch (Trong đó thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: 86 quy hoạch; Thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng các Bộ, ngành là: 53 quy hoạch; Thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp địa phương là: 517 quy hoạch).
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Trên cơ sở kết quả trên, Tổ công tác sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý đối với các quy hoạch dở dang chưa được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
Về tổng hợp danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 59 Luật quy hoạch, Tổ công tác đã tổng hợp được 142 quy hoạch do 12 bộ, ngành đề xuất danh mục. Theo đó, Tổ công tác sẽ phối hợp với các bộ rà soát, nghiên cứu và tham mưu đề xuất, báo cáo Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định.
Về tổng hợp danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định tại điểm 39, Phụ lục 2 của Luật quy hoạch, Tổ công tác đã tổng hợp được 324 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để tích hợp vào hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định. Trên cơ sở đó, Tổ công tác sẽ phối hợp với các bộ rà soát, nghiên cứu và tham mưu đề xuất, báo cáo Chính phủ ban hành Danh mục bổ sung các quy hoạch có tính chất chuyên ngành, kỹ thuật theo quy định tại mục 39, Phụ lục 2 của Luật quy hoạch (nếu có).
Về rà soát, bãi bỏ trước ngày 31/12/2018 các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 59 Luật quy hoạch, đến nay chưa có báo cáo về kết quả thực hiện việc nghiên cứu, ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành của các bộ, ngành. Do vậy, Tổ công tác sẽ đôn đốc, giám sát việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời phối hợp và làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm hàng hóa dịch vụ cụ thể và biện pháp quản lý khi các quy hoạch này bị bãi bỏ.
Về tổ chức lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030, Chính phủ đã thông qua việc thành lập Hội đồng quy hoạch quốc gia để tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng tại Nghị quyết số 74/NĐ-CP ngày 07/6/2018 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2018. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét để ban hành Quyết định giao cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia. Đối với quy hoạch tỉnh, UBND các tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 4, Điều 14 Luật quy hoạch.
Sau khi Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng quy hoạch quốc gia và Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ lập quy hoạch ngành quốc gia, Tổ công tác sẽ phối hợp, đôn đốc và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều phối, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật quy hoạch.
Về tổng hợp nhu cầu vốn và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NĐ-CP, trong đó cho phép được sử dụng nguồn 10% dự phòng trên tổng mức vốn đã phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hoặc nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế đã bố trí trong dự toán năm 2018 của các bộ, ngành, địa phương để tổ chức lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 ngay trong năm 2018 theo quy định của Luật quy hoạch. Từ năm 2019 trở đi nguồn kinh phí tổ chức lập các quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch được sử dụng từ nguồn đầu tư công.
Như vậy, trong năm 2018 nguồn kinh phí tổ chức xây dựng các quy hoạch được sử dụng từ 2 nguồn là nguồn sự nghiệp và nguồn đầu tư công. Điều này cần phải được làm rõ trong quá trình xử lý để chuyển tiếp đối với các dự án quy hoạch từ 2 nguồn vốn là: Nguồn chi sự nghiệp kinh tế đã bố trí trong dự toán năm 2018 của các bộ, ngành, địa phương và nguồn vốn đầu tư công được sử dụng nguồn 10% dự phòng như đã nêu trên.
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Tổ công tác tập trung phối hợp và đôn đốc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách gồm: Rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch đảm bảo sự đồng bộ với Luật quy hoạch. Nghiên cứu xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, trong đó có xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch, Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch và Thông tư về giá cho hoạt động quy hoạch. Bên cạnh đó, rà soát, tổng hợp các quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch.
Về tổ chức lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030, Tổ công tác có trách nhiệm đôn đốc và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều phối, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch phục vụ cho công tác lập các quy hoạch theo Luật quy hoạch. Để thực hiện nhiệm vụ này, các bộ, ngành có trách nhiệm cung cấp các quyết định kèm theo báo cáo quy hoạch và hồ sơ, tài liệu quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có phối hợp với các bộ nghiên cứu, xây dựng tạm thời cơ sở dữ liệu quy hoạch để phục vụ cho công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, công tác quy hoạch vô cùng quan trọng và trong quá trình triển khai Luật quy hoạch có rất nhiều nội dung liên quan đến tất cả các bộ, ngành, địa phương, làm thay đổi cách thức và phương pháp lập quy hoạch. Hết năm 2018 sẽ bãi bỏ quy hoạch sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, để không bị khoảng trống trong quản lý, các bộ, ngành phải khẩn trương rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hiện hành để sửa đổi hoặc ban hành mới các điều kiện, tiêu chuẩn để quản lý nhà nước về các quy hoạch bị bãi bỏ.
Về công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, Tổ công tác đã xây dựng và trình ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến quy hoạch và hiện đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 39 luật liên quan đến quy hoạch. Đồng thời xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch và Thông tư về giá cho hoạt động quy hoạch. Để đảm bảo tiến độ và đạt chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đơn vị liên quan phải tích cực, chủ động trong việc phối hợp.
Về xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác lập các quy hoạch theo Luật quy hoạch, để đảm bảo việc xây dựng Hệ thống và hoạt động hiệu quả, các bộ, ngành phải phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin đầu vào cho Hệ thống. Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì xây dựng cơ sở dữ liệu được đánh giá rất cao. Điều này phải đảm bảo được tính kết nối, chia sẻ, dùng chung.
Về quy hoạch tổng thể quốc gia, đây là vấn đề khó. Do vậy, chúng ta phải dựa trên các quy hoạch ngành hiện có để lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ra đời thì tất cả các quy hoạch ngành phải dựa trên quy hoạch này để rà soát, điều chỉnh, đảm bảo sự phù hợp, đồng nhất với nhau.
Về phân vùng phục vụ triển khai thực hiện Luật quy hoạch, hiện nay chúng ta có 6 vùng kinh tế - xã hội và được tiếp cận theo hướng các điều kiện kinh tế - xã hội giống nhau để có chính sách hỗ trợ tương đồng nhau chứ không tiếp cận theo không gian phát triển để liên kết, bổ sung, hỗ trợ nhau. Do vậy, yêu cầu đặt ra cấp thiết phải nghiên cứu phân vùng lại. Đây là tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng. Mặt khác, các quy hoạch vùng được lập trước đây chỉ còn hiệu lực đến năm 2020.
Với mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quy hoạch hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên của Tổ Công tác tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để triển khai tốt Luật Quy hoạch nhằm góp phần vào phát triển đất nước nhanh, bền vững./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư