(MPI) – Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 được dự báo sẽ vượt kế hoạch đặt ra.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Đối chiếu với tình hình thực tế, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đã đón nhận nhiều tín hiệu khả quan nhờ những động lực từ nền kinh tế thế giới và nội lực kinh tế trong nước, phần lớn các chỉ tiêu chính như tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đều đạt được kế hoạch đặt ra.
Trong đó, về các động lực tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 vẫn đang ở mức ổn định 3,9%/năm cho thấy nhu cầu ổn định của thị trường quốc tế đối với hàng hóa Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của hàng hóa và nền sản xuất trong nước. Môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các thủ tục về cấp phép kinh doanh và điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa. Tính đến hết quý II/2018, có 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ hoặc sửa đổi, đơn giản hóa.
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết trong thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán ký kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam. Thực tế cho thấy, các hiệp định tự do thương mại được ký kết đã tạo nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam và mở cửa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc ký kết ngày càng nhiều hiệp định tự do thương mại FTA, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại xuất - nhập khẩu.
Cùng với đó, nhiều ngành kinh tế lớn đang vào chu kỳ tăng trưởng như công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn, bán lẻ; Kinh doanh bất động sản; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trong các quý còn lại của năm. Nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện. Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện. Lạm phát được dự báo tăng trong những tháng cuối năm 2018 nhưng vẫn ở mức kiểm soát được do các cam kết không tăng giá điện, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cũng như ổn định giá dịch vụ y tế cùng các yếu tố giá khác do Chính phủ quản lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn tồn tại một số yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2018, như sự thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính. Được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ sự gia nhập thị trường, gia tăng sản xuất của một số doanh nghiệp lớn như Samsung, Formosa, kinh tế nửa đầu năm 2018 đã tăng trưởng rất mạnh mẽ nhưng hiện vẫn chưa có những động lực mới thay thế. Xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung. Giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao, gây quan ngại về tình trạng "bong bóng tài chính" đang âm thầm diễn ra, đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.
Cùng với đó, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh để hạn chế thiệt hại. Môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, như: thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng chưa được cải thiện nhiều và công nghiệp phụ trợ yếu kém, nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trong khi yêu cầu về chất lượng các dự án FDI ngày càng cao khiến các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút.
Chất lượng lao động chưa được cải thiện cùng năng lực khoa học - công nghệ chưa cao có thể ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong trường quốc tế và khả năng thu hút dòng vốn tới Việt Nam./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư