|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật
Trong những năm gần đây, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trọng tâm trong nhiệm vụ của Chính phủ. Một loạt Nghị quyết của Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào cải cách thể chế và thủ tục hành chính, thuận lợi hóa các hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện các Nghị quyết này đã góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh doanh nói chung và chi phí tuân thủ pháp luật nói riêng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy Chính phủ vẫn có thể có nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam theo Khảo sát Doing Business của Ngân hàng thế giới tuy có cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực. Theo Doing Business 2018, tổng mức thuế và chi phí bảo hiểm doanh nghiệp Việt Nam phải nộp chiếm 38,1% lợi nhuận trước thuế trong khi con số này ở Thái Lan là 28,7%, ở Indonesia là 30%. Khảo sát PCI 2017 cho thấy 59,3% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; Lãnh đạo của khoảng 30% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho tìm hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; 44% doanh nghiệp cho rằng thủ tục thuê, mua đất phức tạp; 16% doanh nghiệp cho rằng giá đất theo quy định nhà nước cao.
Nhìn chung, còn nhiều bấp cập trong các khoản chi phí do Nhà nước tạo ra hoặc quy định mà doanh nghiệp phải trả. Do đó, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của doanh nghiệp bị hạn chế. Điều này cản trở việc thực hiện các chính sách về nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Để góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách hướng tới cắt giảm các chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.
Tạo dựng môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định
Theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu của Chương trình hành động là cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đồng thời cắt giảm một phần đáng kể chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, dễ tiên liệu; Khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN-4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng thế giới; Giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI đến năm 2020; Công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang internet của cơ quan có thẩm quyền; Chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Doing Business giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, về chi phí tuân thủ pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh như đã nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ Điều 7 Luật đầu tư 2014. Rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh (ví dụ như điều kiện nhân lực, điều kiện diện tích nhà xưởng) trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo Dự thảo, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật đầu tư theo hướng làm rõ khái niệm, nội hàm của cụm từ “điều kiện kinh doanh” để làm cơ sở đánh giá, theo dõi hệ thống quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Đảm bảo phân biệt rõ khái niệm điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Hằng năm xây dựng báo cáo về hệ thống quy định pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong phụ lục của Luật đầu tư về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng loại bỏ những ngành nghề không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích công cộng, không có tính đặc thù có thể quản lý bằng hình thức khác, điều chỉnh phạm vi kiểm soát đối với một số ngành, lĩnh vực có tác động hẹp.
Đồng thời, đơn giản hóa mẫu biểu, tờ khai về đăng ký doanh nghiệp; Giảm thành phần giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký hộ kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu phương án liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh…
Về chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh, các bộ, ngành và địa phương phải tổ chức triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh, kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, kinh doanh của các định chế tài chính quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc thị trường. Nghiên cứu các giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ làm tài sản thế chấp khi vay vốn tại các ngân hàng chính sách của Nhà nước.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về tài sản bảo đảm tiền vay cho doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp được sử dụng tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để thế chấp vay vốn ngân hàng. Xây dựng, ban hành các quy định pháp luật yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ, biểu phí, lãi suất, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có cơ sở tiếp cận, lựa chọn dịch vụ, chi phí phù hợp và có cơ sở để giám sát chất lượng dịch vụ…
Về phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí do Ủy ban nhân dân các cấp ban hành để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giảm phí, lệ phí; Đảm bảo các loại phí tuân thủ đúng nguyên tắc “cơ bản bù đắp chi phí” được quy định trong Luật phí và lệ phí năm 2015; Giải thích công khai cơ sở tính phí, lệ phí.
Về chi phí không chính thức, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; Đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích tuân thủ pháp luật trên Cổng thông tin điện tử; Trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; Thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự, không phân biệt đối xử. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước./.