(MPI) – Từ ngày 07-12/9/2018, tại Nhật Bản, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng làm Trưởng đoàn đã làm việc với các cơ quan của Chính phủ, chính quyền một số địa phương, đối tác Nhật Bản.
|
Lễ ký MOU giữa Cục Đầu tư nước ngoài và Ngân hàng Shoko Chukin về hợp tác hỗ trợ và xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản vào Việt Nam. Ảnh: MPI |
Việt Nam - Nhật Bản đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản có hơn 3.865 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 56 tỷ đô la Mỹ, chiếm 16,7% tổng FDI vào Việt Nam. Đặc biệt, năm 2017, Nhật Bản đã vươn lên vị trí là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 10 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký. Đà tăng trưởng này tiếp tục được giữ vững vị trí số 1 trong 8 tháng đầu năm 2018, với số vốn đầu tư đăng ký trên 7 tỷ USD, chiếm gần 29% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018.
Trong một báo cáo vừa được JETRO công bố gần đây, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Có 87,7% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu, trên 60% các doanh nghiệp Nhật Bản đã kinh doanh có lãi trong năm 2017 và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng. Cuộc khảo sát của JETRO cũng nhấn mạnh rằng, xếp hạng của Việt Nam về rủi ro kinh doanh đang giảm, cho thấy điều kiện đầu tư cải thiện. Đây thực sự là một nguồn động viên rất lớn, là động lực để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách và môi trường đầu tư.
Việt Nam đang tiếp tục đổi mới và có những bước chuyển mạnh mẽ, nền kinh tế có độ mở cao, quy mô thương mại năm 2017 đạt gần 425 tỷ USD, gấp gần 1,9 lần GDP, đã thu hút được trên 26.438 dự án FDI từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 333 tỷ USD vốn đăng ký, vốn thực hiện trên 183 tỷ USD.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017. Giữa tháng 5/2017, Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ “ổn định” lên mức “tích cực”. Chỉ số Ngành sản xuất Việt Nam PMI do Nikkei công bố tháng 7/2018 lên mức 54,9 điểm, đạt mức cao nhất trong khu vực ASEAN, thể hiện sức mua và năng lực sản xuất của Việt Nam tăng ổn định, liên tục.
Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ.
Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục dành ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản
tại tỉnh Kanagawa. Ảnh: MPI |
“Bên cạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư luôn được quan tâm và đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Kanagawa ngày 07/9/2018.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động M&A gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực, như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Những năm gần đây, các tập đoàn lớn Nhật Bản rất tích cực tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam và đã trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp lớn trong các ngành và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Việt Nam như tài chính, ngân hàng, hàng không, năng lượng, dược phẩm… Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục dành ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản tham gia cổ phần hóa và trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam, qua đó góp phần cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Việt Nam đang tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý và tạo mọi thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác PPP trong phát triển hạ tầng, đặc biệt chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng. Đồng thời, đang thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với khu vực và toàn cầu. Việt Nam tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua đơn giản hóa các thủ tục chuyển nhượng vốn góp đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Tại Diễn đàn, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu về môi trường đầu tư của Việt Nam; đại diện tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Long An giới thiệu về môi trường đầu tư tại các địa phương này; giới thiệu của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Nhật Bản;…
Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng làm việc với Ngân hàng Shoko-Chukin và tham dự Lễ ký MOU giữa Cục Đầu tư nước ngoài và Ngân hàng Shoko Chukin về hợp tác hỗ trợ và xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản vào Việt Nam. Đây là ngân hàng chính sách của Chính phủ Nhật Bản được thành lập từ năm 1936, với hoạt động chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng này có vốn hóa thị trường khoảng 218,6 tỷ Yên doanh thu 2017 đạt 134,4 tỷ Yên, hơn 7500 khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện Ngân hàng này đang có khoảng 400 khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Ban có các công ty con và đang hoat động tại Việt Nam.
Sáng ngày 07/9/2018, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng làm việc với Phó Chủ tịch JICA, ông Kô-Shi-ka-wa Ka-dư-hi-rô, tại Tokyo, để thúc đẩy hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và kết nối hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước, đồng thời trao đổi một số nội dung về hợp tác ODA giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Kyushu xây dựng kênh hỗ trợ doanh nghiệp hai nước
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế đầu tư Việt Nam tại Kyushu diễn ra ngày 10/9/2018, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Việt Nam luôn đánh giá cao vùng kinh tế Kyushu là khu vực kinh tế lớn phía Tây Nhật Bản, về mặt địa lý là khu vực gần nhất của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Với truyền thống giao thương và giao lưu nhân dân rất sớm với Việt Nam với truyền thuyết còn được lưu giữ đến ngày nay. Vùng Kyushu với thế mạnh là công nghiệp phụ trợ tập trung số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, đây cũng là vùng nổi tiếng Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng công nghệ cao với nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt chế biến thủy sản… Đây là những lĩnh vực mà phía Việt Nam đang rất cần hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên đoàn kinh tế Kyushu để xây dựng kênh hỗ trợ doanh nghiệp hai nước một cách hiệu quả nhất trong quá trình tìm hiểu, đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Với lợi thế mang tính bổ trợ của hai bên như nêu trên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng tin tưởng sẽ có ngày càng nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thành công tại Việt Nam và nhiều thanh niên ưu tú của Việt Nam đến học tập, làm việc và trở thành những cầu nối quan trọng cho quá trình phát triển giao lưu hợp tác giữa vùng Kyushu với Việt Nam.
Cùng ngày, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã có buổi làm việc với Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản Ô-ga-wa Hi-rô-shi. Tại buổi làm việc hai bên mong muốn, chính quyền các địa phương trong Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sang Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực mà Tỉnh có thế mạnh. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước nói chung, tỉnh Fukuoka với Việt Nam nói riêng, tiếp tục tăng cường các đoàn khảo sát, trao đổi, hiểu biết lẫn nhau.
Tiếp tục tăng cường các đoàn khảo sát, trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng tặng quà lưu niệm cho Phó Thống đốc tỉnh Aichi Mô-ri-ô-ka Sên-ta.
Ảnh: MPI |
Ngày 11/9/2018, tại Nhật Bản, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã có làm việc với Phó Thống đốc tỉnh Aichi Mô-ri-ô-ka Sên-ta để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại, giao lưu Nhân dân giữa hai bên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao hợp tác chặt chẽ giữa Chính quyền tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy đầu tư các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế tạo, cơ khí đầu tư sang Việt Nam. Đồng thời mong rằng Chính quyền tỉnh sẽ nghiên cứu hỗ trợ tiếp nhận thực tập sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam, cũng như hỗ trợ đào tạo nghề tại các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam.
Cùng ngày, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã có làm việc với Thị trưởng thành phố Anjo, thuộc tỉnh Aichi, Nhật Bản ông Ma-na-bư Ka-mi-ya. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố Anjo tìm kiếm địa điểm đầu tư, đối tác có năng lực để tiến hành hợp tác tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Thứ trưởng mong thành phố Anjo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp với các đơn vị đào tạo dạy nghề tại Việt Nam để tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam được sang thực tập tại các công ty trên địa bàn Thành phố.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng làm việc với Công ty DENSO. Ảnh: MPI
|
Trong chuyến thăm và công tác tại tỉnh Aichi, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy DENSO, công ty sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất Nhật Bản. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đề nghị Công ty tiếp tục phát huy vai trò cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước nói chung, tiếp tục tăng cường các đoàn khảo sát, trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam và mong muốn Tập đoàn xây dựng chiến lược đầu tư, trong đó xác định Việt Nam là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của Tập đoàn. Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị Tập đoàn xem xét khả năng liên kết sử dụng các công ty sản xuất linh phụ kiện Việt Nam tham gia vào chuỗi các nhà cung cấp, bao gồm cả việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng làm đầu mối và kết nối hợp tác của tập đoàn DENSO với các doanh nghiệp Việt Nam./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư