Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/09/2018-00:02:00 AM
Phiên họp cấp kỹ thuật lần thứ nhất về PPP tại Việt Nam
(MPI) – Trong khuôn khổ Đối thoại hợp tác phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP) nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chính sách, xây dựng Luật PPP cũng như việc thực hiện các dự án PPP, ngày 20/9/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức phiên họp cấp kỹ thuật lần thứ nhất về PPP tại Việt Nam.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phiên họp nhằm trao đổi, lấy ý kiến của các chuyên gia, các đối tác phát triển và một số bộ, ngành, địa phương về quy trình, thủ tục thực hiện dự án PPP thông qua các quy định hiện hành tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị và giải pháp nhằm thu hút, thúc đẩy nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP, làm cơ sở xây dựng dự thảo Luật PPP trong thời gian tới.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quỳnh Lê cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo về PPP của Chính phủ đã có nhiều lỗ lực trong việc cải thiện môi trường chính sách về PPP nhằm thu hút hiệu quả hơn nữa đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong quá trình hoàn thiện thể chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ song phương và đa phương để có cách làm PPP tương đối bài bản, chuyên nghiệp.

Tại phiên họp, Chánh Văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Việt Dũng đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện dự án PPP trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, khó khăn và thách thức, trong đó tập trung vào các lĩnh vực cân nhắc đầu tư theo PPP, việc điều chỉnh phương thức hợp tác và đơn giản hóa các quy trình thủ tục.

Cụ thể, một số lĩnh vực có thể đầu tư theo hình thức PPP hoặc đầu tư tư nhân được cân nhắc như các công trình hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ liên quan, hệ thống chiếu sáng, nhà máy điện và đường truyền tải điện, công trình hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, các công trình hạ tầng nông nghiệp nông thôn,… và các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các câu hỏi được các đại biểu tại Phiên họp quan tâm đó là có nên quy định các lĩnh vực cụ thể trong Luật, áp dụng cách tiếp cận nào để xác định các lĩnh vực thu hút PPP. Về loại hình hợp đồng PPP, có nên có mô hình hợp tác mang tính sáng tạo, quy định tên của các hợp đồng PPP trong Luật không. Về trình tự thủ tục, có nên quy định một cửa, liệu có nên cấm phương thức tự nguyện (dự án do chủ đầu tư tự đề xuất ý tưởng), cần cắt giảm bước nào và áp dụng cách tiếp cận nào để đẩy nhanh quá trình…

Phát biểu tại Phiên họp, Chuyên gia cao cấp của WB Mark Alexander Giblett nhấn mạnh, một lợi ích quan trọng của hình thức đầu tư PPP là tạo ra công cụ linh hoạt để triển khai các dự án trong nhiều lĩnh vực, huy động được sự tham gia của tư nhân để không chỉ có thêm nguồn lực mà còn mang lại đổi mới sáng tạo, công nghệ, quản trị tốt… Từ kinh nghiệm của mình, ông Mark Alexander Giblett nêu quan điểm Luật PPP không nên quy định quá cứng nhắc về lĩnh vực, thay vào đó là cần định nghĩa rõ về PPP, trong đó nhấn mạnh việc dự án PPP phải mang lại giá trị nhiều hơn là đầu tư công thuần túy hoặc đầu tư tư nhân thuần túy.

Các chuyên gia, đối tác phát triển phát biểu tại Phiên họp đều bày tỏ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật PPP. Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng chia sẻ với các đối tác phát triển những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức PPP… Đây là cơ hội để các bên trao đổi thẳng thắn, mở ra phương thức hợp tác mới, đưa PPP vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2789
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)