1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a. Sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp tháng 8/2018 chủ yếu tập trung thu hoạch lúa và các loại cây hoa màu khác vụ hè thu. Diện tích lúa vụ hè thu năm 2018 ước đạt 25.545 ha, so với năm trước giảm 0,07%. Tính đến 15/8 đã thu hoạch khoảng 2.000 ha chiếm 7,8% diện tích lúa, các địa phương đang tiến hành thăm đồng ước tính năng suất lúa. Theo đánh giá bước đầu, lúa hè thu năm nay phát triển tốt và khá đồng đều giữa các địa phương, năng suất cả vụ dự kiến đạt 58,4 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha, tăng 0,86% so với vụ hè thu năm trước. Sản lượng lúa vụ hè thu năm 2018 ước đạt 149.164 tấn, tăng 0,79% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình sâu bệnh trên cây lúa hè thu năm nay xảy ra với diện tích nhỏ, mức độ gây hại thấp nên ít ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường theo dõi, kiểm tra diễn biến sâu bệnh theo từng vùng, địa phương để có biện pháp quản lý, hướng dẫn phòng trừ kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Tính đến 15/8/2018, diện tích gieo trồng một số cây hàng năm chủ yếu khác như cây ngô đạt 555 ha, giảm 9,17% so cùng kỳ năm trước; cây khoai lang 421 ha, bằng 14,78%; nguyên nhân diện tích ngô và khoai lang giảm là do hiệu quả kinh tế thấp nên người nông dân chuyển sang cây trồng khác mà chủ yếu là cây rau và cây lạc. Cây sắn 308 ha, giảm 25,24%, nguyên nhân giảm là do một số diện tích sắn trồng xen trên đất lâm nghiệp nay đã khép tán; đậu các loại 848 ha, giảm 9,98%; ớt cay 47 ha, giảm 33,8%; cây lạc 286 ha, tăng 18,18%; rau các loại 1.511 ha, tăng 3,64%.
Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ổn định và có xu hướng phát triển. Tính đến thời điểm 01/8/2018 tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt 22.550 con, tăng 1,28% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 34.852 con, tăng 2,84%; đàn lợn đạt 162.250 con, giảm 8,16%. Hiện nay giá thịt lợn hơi tăng trở lại và có thời điểm giá tăng ở mức cao, do đó đàn lợn thời điểm 01/8/2018 tăng 5,5% so với tháng trước, tuy nhiên người chăn nuôi lợn vẫn còn gặp khó khăn do nguồn lợn giống khan hiếm, nhất là lợn giống tại chỗ giảm mạnh do đàn lợn nái giảm và giá lợn giống cao; bên cạnh đó do giá thịt lợn hơi giảm xuống rất thấp trong thời gian dài và khi giá lợn tăng nhưng vẫn biến động thất thường gây tâm lý e ngại cho người chăn nuôi, do vậy việc tái đàn phục hồi chậm. Đàn gia cầm đạt 2.806,9 nghìn con, tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà 2.112 nghìn con, tăng 1,88%. Đàn gà tăng chủ yếu do giá thịt gà hơi tăng, dịch bệnh không xảy ra, nên khuyến khích người nông dân mở rộng quy mô nuôi.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và sản phẩm động vật luôn được chú trọng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Tính đến 15/8/2018, kết quả tiêm phòng vụ thu đạt 2.240 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò bằng 28% KH; 40.360 liều vắc xin tam liên lợn bằng 51% KH; 3.350 liều vắc xin VX +KT E.coli bằng 28% KH; 270.900 liều vắc xin cúm gia cầm bằng 63% KH; 291.600 liều vắc xin dịch tả vịt bằng 65% KH; 51.775 liều vắc xin Newcastle gà bằng 41% KH; 72.120 liều vắc xin Lasota+Newcastle bằng 27% KH; 3.940 liều vắc xin tụ huyết trùng gia cầm bằng 19% KH; 23.100 liều vắc xin đậu gà bằng 22% KH; 87.400 liều vắc xin VX+KT Gumboro bằng 29% KH.
b. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 8/2018 tiếp tục khai thác gỗ rừng trồng. Ước tính sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trong tháng đạt 46.452 m3, tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác 27.369 ster, tăng 3,1%. Tính chung tám tháng đầu năm 2018, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 400.986 m3, tăng 5,38% so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ là gỗ rừng trồng; sản lượng củi khai thác đạt 236.597 ster, tăng 3,58%. Khai thác gỗ rừng trồng và củi tăng nhờ thời tiết thuận lợi và diện tích rừng trồng đã đến kỳ khai thác tăng khá cao so với cùng kỳ.
Do thời tiết đang trong mùa nắng nóng nên công tác trồng rừng tập trung trong tháng không thực hiện. Lũy kế tám tháng đầu năm, trồng rừng tập trung đạt 2.815 ha, tăng 10,96% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8/2018 xảy ra 51 vụ vi phạm lâm luật, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 2 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy là 0,52 ha, nguyên nhân được xác định là do nắng nóng kéo dài; 3 vụ phá rừng trái phép làm nương rẫy với diện tích thiệt hại là 0,9 ha; 1 vụ vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã; 5 vụ vi phạm mua bán vận chuyển lâm sản trái phép; 40 vụ vi phạm khác. Đã tiến hành xử lý 47 vụ, tổng các khoản thu nộp vào ngân sách Nhà nước 243,5 triệu đồng, trong đó tiền phạt 37,5 triệu đồng, tiền bán tang vật tịch thu 206 triệu đồng.
Lũy kế tám tháng đầu năm 2018 xảy ra 294 vụ vi phạm lâm luật, giảm 46 vụ so cùng kỳ năm trước, trong đó có 29 vụ phá rừng trái phép, giảm 15 vụ với diện tích rừng bị phá 8,04 ha, tăng 0,34 ha so cùng kỳ năm trước; 9 vụ cháy rừng, tăng 6 vụ với diện tích rừng bị cháy 3,7 ha, giảm 17,53 ha. Đã tiến hành xử lý 272 vụ, tịch thu 492 m3 gỗ tròn. Tổng các khoản thu nộp ngân sách 2.291 triệu đồng, trong đó tiền phạt 351 triệu đồng, tiền bán tang vật tịch thu 1.940 triệu đồng.
c. Thủy sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 7/2018 ước đạt 37 ha, tăng 4,82% so cùng kỳ năm trước, toàn bộ là nuôi tôm nước lợ; trong đó, tôm thẻ chân trắng 35 ha, tăng 3,86%; nuôi tôm sú 2 ha, tăng 25%. Lũy kế tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 7.257 ha, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích nuôi nước lợ 5.262 ha, tăng 4,28%; nuôi nước ngọt 1.995 ha, giảm 0,75%. Trong nuôi nước lợ chia ra nuôi cá 1.282 ha, tăng 4,82%; nuôi tôm 3.044 ha, tăng 4,45%; thủy sản khác 930 ha, tăng 2,99% so cùng kỳ.
Về sản xuất giống thủy sản, trong tháng 8/2018 sản xuất được 9,5 triệu con giống, tăng 5,56% so cùng kỳ năm trước, trong đó tôm sú giống 3 triệu con, tăng 20%; cá giống 6,5 triệu con, bằng cùng kỳ. Lũy kế số giống sản xuất tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 148,3 triệu con, tăng 4,44% so cùng kỳ năm trước; trong đó tôm sú giống 85,1 triệu con, tăng 4,42%; cá giống 61,2 triệu con, tăng 4,62%; giống thủy sản khác 2 triệu con, bằng cùng kỳ. Toàn bộ số giống sản xuất chủ yếu cung cấp cho các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh.
Lượng giống thả nuôi: Lượng giống tôm thẻ chân trắng thả nuôi tháng 8/2018 ước đạt 41,2 triệu con, tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú thả nuôi 0,2 triệu con, bằng so với cùng kỳ; trong tháng không thả nuôi cá giống. Lũy kế tám tháng đầu năm lượng giống tôm thẻ chân trắng thả nuôi 424,3 triệu con, tăng 7,85%; tôm sú thả nuôi 155,9 triệu con, tăng 4,49%; giống cá các loại 228,3 triệu con, tăng 3,54% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch tháng 8/2018 ước đạt 2.088 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 10.644 tấn, tăng 7,92%, bao gồm sản lượng cá các loại 6.176 tấn, tăng 4,62%; tôm các loại 3.662 tấn, tăng 15,34%, trong đó tôm sú 776 tấn, tăng 4,72%, tôm thẻ chân trắng 2.655 tấn, tăng 19,97%; thủy sản khác 806 tấn, tăng 2,68%.
Tình hình khai thác hải sản: Sản lượng khai thác tháng 8/2018 ước đạt 3.796 tấn, tăng 5,12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển 3.433 tấn, tăng 5,76%; khai thác nội địa 363 tấn, giảm 0,55%. Lũy kế sản lượng khai thác tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 27.670 tấn, tăng 5,45% so cùng kỳ; trong đó khai thác biển 25.075 tấn, tăng 6,11%; khai thác nội địa 2.595 tấn, giảm 0,54%.
Tính chung sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác bảy tháng đầu năm 2018 ước đạt 38.314 tấn, tăng 6,11% so cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2018 ước tăng 1,08% so tháng trước và tăng 9,7% so tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,37% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,93%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,08%; cấp nước và thu gom rác thải tăng 2,26%; sản xuất, phân phối điện, nước đá bằng 75,98% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng đầu năm tăng không cao, nguyên nhân chính là do nhà máy Thủy điện A Lưới ngừng sản xuất để bảo trì máy móc từ đầu năm đến hết tháng 4 đã làm chỉ số sản xuất của ngành sản xuất điện tám tháng đầu năm giảm 36,42% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so cùng kỳ do nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh sản xuất các đơn hàng mới, nhất là các ngành chế biến thủy sản, bia, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng.
Các ngành có chỉ số sản xuất tám tháng đầu năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm trước: Ngành khai thác đá tăng 1,93%; chế biến thủy sản tăng 34,53%; sản xuất các loại bánh từ bột tăng 3,0%; sản xuất bia tăng 17,73%; sản xuất sợi tăng 8,51%; may mặc tăng 8,42%; sản xuất các sản phẩm từ da tăng 56,11%; chế biến dăm gỗ tăng 1,15%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 11,09%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 82,47%; sản xuất gạch ngói tăng 46,91%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng 6,84%; sản xuất ô tô tăng 16,67%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 19,39%; cấp nước tăng 2,02%; thu gom rác thải tăng 3,99%.
Ngành sản xuất bia tám tháng đầu năm có chỉ số sản xuất tăng khá cao so với cùng kỳ nhờ làm tốt công tác thị trường trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Ngoài ra, trong tháng 8 công ty đã đi vào vận hành sản xuất dây chuyền Nhà máy bia Carslberg di chuyển từ Hà Nội về Huế, góp phần tăng năng lực sản suất bia. Ngành chế biến thủy sản chỉ số sản xuất tăng rất cao nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời thị trường xuất khẩu rất thuận lợi và ổn định.
Các ngành có chỉ số sản xuất tám tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kỳ: In ấn giảm 15,37%; sản xuất tân dược giảm 6,97%; sản xuất và phân phối điện giảm 24,02%, trong đó điện sản xuất giảm 36,42%; đóng tàu giảm 62,63%. Nguyên nhân ngành đóng tàu giảm sâu do việc tàu đóng mới tăng cao theo Nghị định 67 đã thực hiện trong năm 2017 đến nay còn lại ít. Ngành sản xuất tân dược 8 tháng đầu năm vẫn chưa có nhiều đơn hàng mới, chủ yếu sản xuất các đơn hàng cũ, bên cạnh đó năng lực mới tăng không đáng kể nên chỉ số sản xuất giảm khá sâu.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức sản xuất trong tám tháng đầu năm 2018 tăng so cùng kỳ năm trước: Đá vôi nguyên liệu đạt 1.061,9 nghìn m3, tăng 5,87%; tôm đông lạnh 4.110,6 tấn, tăng 34,53%; bánh làm từ bột 2.601,5 tấn, tăng 3,0%; bia chai 59,8 triệu lít, tăng 17,57%; bia đóng lon 86,3 triệu lít, tăng 17,78%; sợi các loại 50,6 nghìn tấn, tăng 8,51%; quần áo lót 217,8 triệu cái, tăng 8,42%; dăm gỗ 313 ngàn tấn, tăng 1,15%; thùng, hộp bằng bìa cứng 5,7 triệu chiếc, tăng 32,57%; phân NPK 14,3 nghìn tấn, tăng 10,22%; gạch men 6,8 triệu m2, tăng 46,91%; clanhke 1.871,6 nghìn tấn, tăng 5,52%; men frit 114,6 nghìn tấn, tăng 28,01%; xe ô tô 105 chiếc, tăng 16,67%; điện thương phẩm 1.139,5 triệu kwh, tăng 15,2%; nước máy 32,6 triệu m3, tăng 2,02%.
Các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất tám tháng đầu năm 2018 giảm so cùng kỳ: Đá xây dựng khác ước đạt 441 ngàn tấn, giảm 6,86%; sản phẩm giấy, bìa nhăn 3,8 nghìn tấn, giảm 18,97%; sản phẩm in 693,5 triệu trang, giảm 15,37%; thuốc kháng sinh dạng viên 37,03 triệu viên, giảm 5,78%; thuốc mỡ kháng sinh 57,6 tấn, giảm 10,03%; xi măng 1.705,2 nghìn tấn, giảm 0,74%; điện sản xuất 547,3 triệu kwh, giảm 36,42%.
3. Vốn đầu tư
Tổng vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành trên địa bàn trong tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 12.568,5 tỷ đồng, bằng 62,84% KH năm, tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn do Trung ương quản lý 3.658,5 tỷ đồng, bằng 63,9% KH, tăng 10,61%, chiếm 29,11% tổng vốn; vốn Địa phương quản lý 8.910 tỷ đồng, bằng 62,42% KH, tăng 4,29%, chiếm 70,89%.
Vốn thuộc ngân sách Nhà nước tám tháng đạt 2.125 tỷ đồng, bằng 61,4% KH, tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,91% tổng vốn, gồm có: Vốn ngân sách Trung ương quản lý 555 tỷ đồng, bằng 61,67% KH, giảm 5,69%; vốn ngân sách Địa phương quản lý 1.570 tỷ đồng, bằng 61,31%, tăng 14,61%; Nguồn vốn tín dụng đạt 5.552 tỷ đồng, bằng 62,73% KH, tăng 11,23% so cùng kỳ, chiếm 44,17% trong tổng vốn; vốn đầu tư của doanh nghiệp 1.878 tỷ đồng, bằng 63,66% KH, tăng 12,54%, chiếm 14,94%; vốn viện trợ 1.060,5 tỷ đồng, bằng 64,7% KH, giảm 20,89%, chiếm 8,44%; vốn đầu tư nước ngoài 587 tỷ đồng, bằng 65,22% KH, tăng 3,42%, chiếm 4,67%.
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 8 năm 2018 tăng khá so cùng kỳ do một số dự án đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành trước mùa mưa bão: Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế-Mặt Nam Kinh thành; Đường nối từ Quốc lộ 1A vào vườn quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc; Phục hồi Điện Kiến Trung-Tử Cấm Thành; Nâng cấp, sửa chữa trạm bơm Phong Sơn, Đông Vinh, Chương-Bình, Vinh Phú thuộc huyện Phong Điền và Quảng Điền; Dự án "Chương trình phát triển các đô thị loại II"; Đường Phú Mỹ - Thuận An;... Một số dự án mới được khởi công trong tháng như: Trụ sở đội PCCC phía nam thành phố Huế; Trụ sở Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Thừa Thiên Huế (giai đoạn 1). Các dự án chuyển tiếp của năm 2017 tiếp tục tập trung thực hiện và thi công nhanh để sớm đưa vào sử dụng: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải và chất thải tại Trung tâm y tế thị xã Hương Thủy; Trung tâm y tế huyện Nam Đông và Bệnh viện Đa khoa Bình Điền; Nâng cấp đê kết hợp giao thông đê Nho Lâm-Nghĩa Lộ; Nâng cấp hệ thống tiêu úng Dương Thanh Mậu; Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu công nghiệp và khu phi thuế quan; Kè chống sạt lở bờ sông Nong, huyện Phú Lộc; Kè chống sạt lở bờ sông Tả Trạch;… Nguồn vốn đầu tư NSNN do Trung ương quản lý tiếp tục đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia: Dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế quốc phòng A So; Xây dựng giảng đường Trường Cao đẳng Công nghiệp; Học viện Âm nhạc Huế; Nhà hát Sông Hương; Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung.
Nguồn vốn doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đầu tư vào dự án gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng như Dự án Manor Crown và các dự án gấp rút thi công để sớm đưa vào khai thác như: Dự án trọng điểm đường cao tốc La Sơn-Túy Loan; hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn II. Một số dự án giãn tiến độ trong thời gian dài đến nay đầu tư thi công trở lại: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế; dự án Goldland Plaza; Trung tâm tiệc cưới Sen Trắng. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục còn lại của dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom Hùng Vương và Khách sạn 5 sao Vinpearl Huế. Nguồn vốn FDI tiếp tục đầu tư vào Nhà máy chế biến gỗ Công ty Lee & Park Wood; Khu nghỉ dưỡng Laguna giai đoạn 2.
Từ ngày 16/7/2018 đến 15/8/2018, trên địa bàn tỉnh có 1 dự án đầu tư mới của Hàn Quốc vào lĩnh vực công nghệ thông tin với tổng số vốn đăng ký 0,02 triệu USD. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và 2 dự án bổ sung vốn đầu tư. Trong đó, cả 4 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới đều của Hàn Quốc với 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực tư vấn quản lý với tổng vốn đăng ký 0,24 triệu USD; 1 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch với vốn đăng ký 0,22 triệu USD và 1 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin với số vốn 0,02 triệu USD; 2 dự án bổ sung vốn đăng ký bao gồm 1 dự án của Trung Quốc đầu tư vào công nghiệp với số vốn bổ sung 10 triệu USD và 1 dự án của Singapore đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn bổ sung 1.125 triệu USD.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2018 ước đạt 3.233,9 tỷ đồng, giảm 0,22% so với tháng trước và tăng 10,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 237 tỷ đồng, chiếm 7,33% tổng số, giảm 2,52% so với tháng trước và tăng 18,20% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế ngoài Nhà nước 2.896,4 tỷ đồng, chiếm 89,56%, giảm 0,3% và tăng 10,44%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 100,5 tỷ đồng, chiếm 3,11%, tăng 8,0% và giảm 0,81%.
Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8/2018 ước đạt 2.519,2 tỷ đồng, chiếm 77,90% tổng số, tăng 0,41% so với tháng trước và tăng 11,21% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng so với tháng trước là do tháng 8 học sinh bước vào năm học, nên nhu cầu mua sắm một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép và dụng cụ học sinh tăng. Ngoài ra, Chương trình tháng bán hàng khuyến mại tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII năm 2018 vào tháng 8 đã làm tăng lượng tiêu dùng một số hàng hóa và dịch vụ so với tháng trước, cụ thể: Lương thực, thực phẩm tăng 0,41%; hàng may mặc tăng 2,3%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 4,94%; ô tô các loại tăng 7,57%; nhiên liệu khác tăng 6,59%; đá quý, kim loại quý tăng 4,17%. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 8/2018 ước đạt 531,2 tỷ đồng, chiếm 16,43%, giảm 3,18% so với tháng trước và tăng 8,57% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành đạt 14,9 tỷ đồng, chiếm 0,46%, tương ứng giảm 3,11% và tăng 10,15%; doanh thu dịch vụ khác 168,6 tỷ đồng, chiếm 5,21%, tăng 0,19% và tăng 7,31%.
Tính chung tám tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 25.216,2 tỷ đồng, tăng 9,95% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 1.865,3 tỷ đồng, chiếm 7,4% tổng số và tăng 19,35%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 22.656,5 tỷ đồng, chiếm 89,85%, tăng 9,43%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 694,5 tỷ đồng, chiếm 2,75%, tăng 3,93%. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng đầu năm 2018, kinh doanh bán lẻ hàng hóa ước 19.529,4 tỷ đồng, chiếm 77,45% tổng số và tăng 10,33% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống 4.253 tỷ đồng, chiếm 16,87% và tăng 8,98%; du lịch lữ hành 119,6 tỷ đồng, chiếm 0,47% và tăng 9,44%; dịch vụ khác 1.314,2 tỷ đồng, chiếm 5,21% và tăng 7,52%.
b. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách tháng 8/2018 ước đạt 1.972,9 nghìn lượt khách và 98,2 triệu lượt khách.km, tăng 1,35% về lượt khách và tăng 0,24% về lượt khách.km so với tháng trước; tăng 15,12% về lượt khách và tăng 11,70% về lượt khách.km so cùng kỳ năm trước.
Dự ước vận tải hành khách tám tháng đầu năm 2018 đạt 14.991,8 nghìn lượt khách, tăng 8,99% và 748,4 triệu lượt khách.km tăng 9,06% so cùng kỳ năm trước; trong đó vận tải hành khách đường bộ ước đạt 14.406,5 nghìn lượt khách, tăng 9,32% và 745,9 triệu lượt khách.km, tăng 9,09%; đường sông 585,3 nghìn lượt khách, tăng 1,49% và 2,6 triệu lượt khách.km, tăng 1,09%.
Vận tải hàng hóa tháng 8/2018 ước đạt 951,6 nghìn tấn và 79,6 triệu tấn.km, tăng 0,36% về tấn và giảm 1,12% về tấn.km so với tháng trước; tăng 11,49% về tấn và tăng 14,96% về tấn.km so cùng kỳ năm trước.
Dự ước vận tải hàng hóa tám tháng đầu năm 2018 đạt 7.193,6 nghìn tấn, tăng 9,93% và 629 triệu tấn.km, tăng 13,56% so cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 7.115 nghìn tấn, tăng 10,48% và 540,6 triệu tấn.km tăng 10,33%; đường biển 55,9 nghìn tấn, tăng 41,11% và 65,2 triệu tấn.km, tăng 53,78%.
Doanh thu vận tải, bốc xếp tháng 8/2018 ước đạt 219,9 tỷ đồng, tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 13,27% so cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng đầu năm 2018, doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 1.667,8 tỷ đồng, tăng 11,47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đường bộ đạt 1.570,9 tỷ đồng, tăng 11,69%; đường biển 92,9 tỷ đồng, tăng 10,32%. Chia theo loại hình dịch vụ: doanh thu vận tải hành khách đạt 442,7 tỷ đồng, tăng 10,37%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.108,3 tỷ đồng, tăng 11,77%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 116,8 tỷ đồng, tăng 12,86%.
c. Lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ và du lịch lữ hành
Dự ước lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tháng 8/2018 đạt 178,4 nghìn lượt khách, giảm 4,26% so với tháng trước và tăng 12,37% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: Lượt khách ngủ qua đêm đạt 155,9 nghìn lượt khách, tương ứng giảm 3,72% và tăng 12,48%; lượt khách trong ngày đạt 22,6 nghìn lượt khách, giảm 7,85% và tăng 11,66%.
Trong tổng số lượt khách ngủ qua đêm tháng 8/2018, lượt khách quốc tế ước đạt 83,9 nghìn lượt khách, tăng 2,96% so với tháng trước và tăng 24,91% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách trong nước đạt 72 nghìn lượt khách, tương ứng giảm 10,49% và tăng 0,78%.
Tính chung tám tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1.445,8 nghìn lượt khách, tăng 13,12% so cùng kỳ năm trước; trong đó lượt khách ngủ qua đêm 1.280,3 nghìn lượt, tăng 12,78%; lượt khách trong ngày 165,5 nghìn lượt, tăng 15,83%.
Trong tổng số lượt khách ngủ qua đêm tám tháng đầu năm, khách quốc tế ước đạt 664,8 nghìn lượt khách, tăng 20,59% so với cùng kỳ; lượt khách trong nước đạt 615,5 nghìn lượt khách, tăng 5,41%.
Ngày khách cơ sở lưu trú phục vụ tháng 8/2018 ước đạt 319 nghìn ngày khách, giảm 3,04% so với tháng tháng trước và tăng 12,10% so với cùng kỳ năm trước, chia ra ngày khách quốc tế đạt 179,4 nghìn ngày khách, tương ứng tăng 2,0% và tăng 22,46%; ngày khách trong nước 139,7 nghìn ngày khách, giảm 8,82% và tăng 1,10%. Đưa tổng ngày khách cơ sở lưu trú phục vụ tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 2.555 nghìn ngày, tăng 11,95% so cùng kỳ năm trước; trong đó, ngày khách quốc tế 1.400,2 nghìn ngày, tăng 18,64%; ngày khách trong nước 1.154,8 nghìn ngày, tăng 4,8%.
Doanh thu của cơ sở lưu trú ước thực hiện tháng 8/2018 đạt 133,4 tỷ đồng, giảm 7,77% so với tháng trước và tăng 9,46% so cùng kỳ năm trước. Đưa doanh thu tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.090,9 tỷ đồng, tăng 10,55% so cùng kỳ năm trước.
Hoạt động du lịch lữ hành tháng 8/2018 ước tính lượt khách du lịch theo tour đạt 9,2 nghìn lượt, giảm 5,21% so với tháng trước và tăng 9,40% so cùng kỳ năm trước. Đưa tổng lượt khách theo tour thực hiện tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 72,6 nghìn lượt, tăng 9,58% so cùng kỳ năm trước. Dự ước ngày khách theo tour tháng 8/2018 đạt 19,5 nghìn ngày, giảm 2,09% so với tháng trước và tăng 10,88% so cùng kỳ năm trước. Đưa tổng ngày khách theo tour tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 151,8 nghìn ngày, tăng 10,10% so cùng kỳ năm trước.
d. Giá cả
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 8/2018 tăng 0,21% so với tháng trước, nguyên nhân tăng chủ yếu do đây là tháng cuối vụ nên nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng, ngoài ra bước vào năm học mới nên một số mặt hàng phục vụ học tập tăng nhẹ. Các nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Nhóm lương thực tăng 0,36%; thực phẩm tăng 0,55%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,28%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,20%; giao thông tăng 0,15%. Các nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước bao gồm: Nhóm giáo dục giảm 0,05%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,04%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,13%. Nhóm ăn uống ngoài gia đình, thuốc và dịch vụ y tế và bưu chính viễn thông có chỉ số giá không tăng giảm so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2018 tăng 1,7% so với tháng 12 năm trước và tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
- Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 8/2018 giảm 1,6% so với tháng trước, giảm 1,12% so với tháng 12 năm trước và tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2018 tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 2,43% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước.
5. Tài chính, ngân hàng
Tài chính( ): Tổng thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4.807 tỷ đồng, bằng 70,38% dự toán năm và tăng 8,49% so với năm trước. Trong đó:
- Thu nội địa đạt 4.165 tỷ đồng, bằng 68,73% dự toán, tăng 6,37%. Trong thu nội địa: Thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.294 tỷ đồng, bằng 64,37% dự toán, tăng 3,92%; thu doanh nghiệp Nhà nước 291 tỷ đồng, bằng 55,39% dự toán, giảm 19,22%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 700 tỷ đồng, bằng 59,31% dự toán, tăng 9,35%; thuế thu nhập cá nhân 213 tỷ đồng, bằng 53,36% dự toán, tăng 11,85%; thuế bảo vệ môi trường 256 tỷ đồng, bằng 75,31% dự toán, tăng 24,63%.
- Thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 372 tỷ đồng, bằng 88,56% dự toán, tăng 57,61%.
Tổng chi ngân sách địa phương 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5.538,7 tỷ đồng, bằng 55,52% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 1.250,4 tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán; chi sự nghiệp kinh tế 382,1 tỷ đồng, bằng 67,79% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 1.609 tỷ đồng, bằng 59,94% dự toán; chi sự nghiệp y tế 315,8 tỷ đồng, bằng 45,64% dự toán; chi quản lý Nhà nước 879,2 tỷ đồng, bằng 72,78% dự toán.
Ngân hàng( ): Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 8/2018 ước đạt 41.750 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 43.200 tỷ đồng, tăng 8,8%.
Đến cuối tháng 8/2018 ước cho vay một số lĩnh vực ưu tiên: Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 13,2% so với đầu năm; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 18,4%; cho vay phát triển SXKD hàng xuất khẩu tăng 31,9%; cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ tăng 75,7%.
Về lãi suất, các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì mức lãi suất huy động và cho vay ổn định, cụ thể:
Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,3-5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 5,4-6,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5-7,3%/năm. Lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất huy động USD phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 0,0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và cá nhân. Lãi suất cho vay USD ở mức 2,8-6%/năm.
6. Các vấn đề xã hội
a. Giáo dục và đào tạo
Năm học 2017-2018, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp do Bộ GD&ĐT đặt ra từ đầu năm học phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đã đạt được một số kết quả trong các lĩnh vực và các cấp bậc học như sau:
Khối Tiểu học:
- Môn Toán: Hoàn thành tốt 64%; hoàn thành 35,4%; chưa hoàn thành 0,6%. Môn Tiếng việt: Hoàn thành tốt 58,7%; hoàn thành 40,5%; chưa hoàn thành 0,8%.
Khối Trung học cơ sở:
- Hạnh kiểm: Tốt 89,4%; Khá 9,8%; Trung bình 0,8%.
- Học lực: Giỏi 26,4%; Khá 41,7%; Trung bình 29,6%; Yếu 2,2%; Kém 0,1%. Tỷ lệ học sinh Giỏi tăng 2,1%; Khá tăng 0,2%; Trung bình giảm 1,7%; Yếu giảm 0,6%; Kém giảm 0,4% so với năm học trước.
Khối Trung học phổ thông:
- Hạnh kiểm: Tốt 84,3%; Khá 12,5%; Trung bình 2,7%; Yếu 0,5%.
- Học lực: Giỏi 14,1%; Khá 50%; Trung bình 31,6%; Yếu 4%; Kém 0,3%. Tỷ lệ học sinh Giỏi tăng 1,3%; Khá tăng 0,6%; Trung bình giảm 0,7%; Yếu giảm 1%; Kém giảm 0,2% so với năm học trước.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đã có 2.657 học sinh tham dự, trong đó có 872 học sinh đạt giải.
Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt 49 giải trong đó: 17 giải Nhì, 15 giải Ba và 17 giải Khuyến khích.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh có 127 dự án dự thi với 42 cá nhân và 85 tập thể. Kết quả có 61 dự án đạt giải, bao gồm: 7 giải Nhất, 12 giải Nhì, 18 giải Ba và 24 giải Tư. 11 dự án đạt giải toàn cuộc trong đó: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Tư và đã chọn các dự án của 4 trường tham dự cấp quốc gia với kết quả đạt 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích.
Ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 nghiêm túc, đúng quy chế. Toàn tỉnh có 32 điểm thi với 11.661 thí sinh và đã điều động hơn 2.000 cán bộ, giáo viên từ các đơn vị giáo dục của tỉnh phục vụ cho kỳ thi. Kết quả, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT toàn tỉnh năm 2018 đạt 94,77% thấp hơn 1,1% so với năm 2017.
Từ ngày 15-22/8/2018, tại các trường đại học thành viên, khoa, phân hiệu, Đại học Huế đón nhận gần 9.000 tân sinh viên trúng tuyển đợt 1 kỳ tuyển sinh đại học năm 2018 nhập học, đạt 73% chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Huế.
b. Tình hình y tế, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Tháng 7/2018, toàn tỉnh có 14 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 26 ca so cùng kỳ năm trước; 3 ca mắc viêm gan siêu trùng, bằng so với cùng kỳ; 6 ca mắc bệnh Tay-Chân-Miệng, tăng 6 ca; 1 ca mắc liên cầu lợn, giảm 1 ca. Không có trường hợp tử vong. Không có ca mắc sốt rét; thương hàn và viêm não vi rút, bằng cùng kỳ năm trước.
Tính chung từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 ca mắc sốt rét, giảm 4 ca so với cùng kỳ năm trước; 46 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 92 ca; 27 ca mắc viêm gan siêu trùng, tăng 2 ca; 15 ca mắc bệnh Tay-Chân-Miệng, giảm 4 ca; 5 ca mắc liên cầu lợn, giảm 9 ca. Không có trường hợp tử vong. Không có ca mắc thương hàn và viêm não vi rút, bằng cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7/2018 qua kiểm tra đã phát hiện 6 ca nhiễm HIV, giảm 14 ca so với cùng kỳ năm trước; có 1 ca chuyển qua AIDS, giảm 2 ca và không có ca tử vong do AIDS, giảm 2 ca. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 56 ca nhiễm mới HIV, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm trước; có 7 ca chuyển qua AIDS, bằng so với cùng kỳ; có 1 ca tử vong, giảm 3 ca. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 333 bệnh nhân HIV đang được quản lý và điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 331 bệnh nhân điều trị ARV.
Tháng 7/2018 không có trường hợp ngộ độc xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thức ăn gồm 4 người bị, không có trường hợp tử vong. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay được triển khai tích cực và thường xuyên, đặc biệt là tại các chợ, các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm và các quầy hàng kinh doanh ăn uống.
c. Hoạt động văn hóa, thể thao
Chào mừng 73 năm Ngày Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 02/9, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động: Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các làng, thôn, tổ dân phố văn hóa thị xã Hương Trà lần thứ III; tổ chức Lễ Khai mạc Giải vô địch cờ tướng trẻ toàn quốc năm 2018 với gần 300 VĐV nam, nữ của 11 đoàn đến từ các tỉnh, thành trong cả nước tham gia tranh tài ở các nội dung: cờ nhanh; cờ chớp; cờ truyền thống; cờ tiêu chuẩn theo nhiều lứa tuổi khác nhau; tổ chức “Ngày hội bóng đá vui” với sự tham gia của hơn 650 cầu thủ từ 33 CLB thuộc các Trung tâm Bảo trợ xã hội, các khu tái định cư, trẻ em các trường học trên địa bàn tỉnh; tổ chức Giải vô địch thể hình các CLB tỉnh lần thứ nhất;...
d. Tai nạn giao thông( )
Từ ngày 16/7/2018 đến ngày 15/8/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 49 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm trước; làm chết 11 người, giảm 2 người; bị thương 49 người, tăng 14 người. Tai nạn đường sắt và đường thủy không xảy không tăng giảm so cùng kỳ.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 324 vụ tai nạn và va chạm giao thông, tăng 30 vụ so với cùng kỳ năm trước; làm chết 98 người, tăng 2 người; bị thương 278 người, tăng 10 người. Trong đó tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 321 vụ, tăng 33 vụ so với cùng kỳ; làm chết 95 người, tăng 6 người; bị thương 278 người, tăng 13 người. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 3 vụ, giảm 3 vụ; làm chết 3 người, giảm 4 người; không có người bị thương, giảm 3 người. Tai nạn đường thủy không xảy ra, không tăng giảm so cùng kỳ.
e. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
Từ 16/7/2018 đến ngày 15/8/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 4 vụ cháy nhà, nguyên nhân do chập điện, rò rỉ khí gas trong quá trình sử dụng; 1 vụ cháy từ cửa hàng xăng dầu, nguyên nhân bất cẩn trong lúc đốt rác và 1 vụ cháy rừng, nguyên nhân do người dân sơ ý vứt tàn thuốc, thiệt hại 0.5 ha rừng tràm ước tính khoảng 30 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy, giảm 6 vụ so cùng kỳ năm trước; làm bị thương 2 người; không có trường hợp tử vong. Giá trị thiệt hại 213,3 triệu đồng.
Từ 16/7/2018 đến ngày 15/8/2018, các ngành chức năng đã phát hiện 16 vụ vi phạm môi trường, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm trước. Đã tiến hành xử lý 13 vụ với tổng số tiền xử phạt 37,2 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 121 vụ vi phạm môi trường, giảm 4 vụ so cùng kỳ năm trước, đã tiến hành xử lý 102 vụ với tổng số tiền phạt 557 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: thải nước thải ra môi trường không qua xử lý; vận chuyển đất đá, cát sạn rơi vãi, chặt phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép và vận chuyển thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc./.
Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế