(MPI) – Đây là chủ đề của Hội thảo do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng tổ chức ngày 03/11/2018. Khí hậu, hỗ trợ quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Thỏa thuận Paris và hỗ trợ cho lớp trẻ là những chủ đề ưu tiên hàng đầu của quan hệ hợp tác Pháp - Việt Nam, Hội thảo này cũng nằm trong khuôn khổ Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI
|
Không chỉ là một buổi Hội thảo về khí hậu, đây còn là một buổi gặp gỡ đầu tiên giữa đại diện các cấp chính quyền Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và thế hệ trẻ để thảo luận, so sánh các quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu và đề xuất những giải pháp cụ thể để hình thành những nét chính của một Việt Nam tương lai có khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu. Sự kiện cũng là dịp để tuyên truyền cho lớp trẻ và ghi nhận những kinh nghiệm thực tiễn của lớp trẻ về những hậu quả của các biến động biến đổi khí hậu với bản chất khác nhau gây ra cho quốc gia và người dân cũng như thúc đẩy sự nhận thức về những cơ hội mà những chuyển biến sâu sắc này tạo ra.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa nghiệm trọng đến sự phát triển bền vững của toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhận thức rõ được điều này, nên trong những năm qua, bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới những giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều chương trình, dự án trong đó nổi bật nhất là Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã được ban hành. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là nhằm phát huy năng lực của toàn đất nước, đồng bộ hóa các giải pháp để tăng cường năng lực thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu của con người và thiên nhiên. Chương trình này là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các dự án, các hoạt động trong phạm vị của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, Chương trình cũng là căn cứ quan trọng để các cơ quan Chính phủ Việt Nam xây dựng các chương trình hợp tác với các quốc gia, các tổ chức phát triển toàn cầu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu mà trong đó, Pháp là một trong những quốc gia đi đầu.
Năm 2018 là năm Việt Nam và Pháp Kỷ niệm 45 năm thiết lập ngoại giao, ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện thỏa thuận Paris là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình hợp tác giữa 2 quốc gia đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ngài Tổng thống Pháp Emanuel Macron cam kết trong tuyên bố chung tháng 3/2018. Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cũng đã ký bản ghi nhớ đối tác chiến lược để hỗ trợ thực hiện các chính sách liên quan đến phát thải các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo này, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng kỳ vọng, thanh niên và sinh viên Việt Nam với sức trẻ, trí tuệ sẽ trình bày các nhận thức, kinh nghiệm cũng như những cơ hội/thách thức do biến đổi khí hậu tạo ra. Đặc biệt, qua việc trao đổi với các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế đầy kinh nghiệm của AFD, các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam sẽ đưa ra được những chương trình, kế hoạch cụ thể chống chịu và vượt qua những tác động của biến đổi khí hậu với mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, các bạn sẽ trở thành lực lượng tiên phong để triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Tăng trưởng Xanh, Thoả thuận Parris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cam kết.
|
Bộ trưởng Bộ hành động và tài chính công của Pháp Gérald DARMANIN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Tổng Giám đốc AFD Resmy RIOUX, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong trao giải cuộc thi. Ảnh: MPI |
Theo AFD, Việt Nam đang phát triển với sự năng động chưa từng có, tuy nhiên cũng là một trong những nước dễ tổn thương nhất trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu và thiên tai. Do vậy, Việt Nam phải tăng cường những khả năng dự báo và phản ứng trước những cú sốc này, cũng như tổ chức tái thiết để vượt qua các hậu quả và tự phục hồi, thậm chí là chuyển biến và cách tân. Điều này chính là ý nghĩa của khái niệm Resilience. Mặc dù Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chịu của mình trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng vẫn chưa thực sự có khái niệm về chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu trong tiếng Việt. Khái niệm “Resilience” như cộng đồng quốc tế nhìn nhận vẫn chưa thực sự được hiểu đúng ở Việt Nam, trong khi đó thuật ngữ này lại tạo thành một khuôn khổ hữu ích để đề cập đến một loạt các rủi ro mà các cộng đồng và địa phương có thể phải đối mặt. Đồng thời, đây là một khái niệm hữu ích để xác định những biện pháp thích hợp để ứng phó với các rủi ro trên.
AFD và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã khởi động một cuộc thi dành cho các bạn trẻ Việt Nam nhằm “dịch sang tiếng Việt hoặc thể hiện qua hình ảnh khái niệm Resilience”. Trong khuôn khổ Hội thảo cũng đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi này./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư