Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/11/2018-16:44:00 PM
Việt Nam muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại

Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm với đối tác Trung Quốc tại một hội chợ. (Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải, Trung Quốc từ ngày 4-5/11.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đối với sự kiện, đồng thời thể hiện sự coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh với Trung Quốc, mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại phát triển bền vững; khuyến khích các bộ, ngành và địa phương hai nước tăng cường hợp tác cùng có lợi; ủng hộ lẫn nhau trong việc tổ chức các sự kiện lớn của mỗi nước.

Hợp tác tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc từ đầu năm 2018 đến nay tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt một số tiến triển mới. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.

Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước nhất trí kiên trì tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, kiểm soát, xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

Quan hệ giữa hai Đảng tiếp tục được tăng cường, tiếp tục triển khai hiệu quả hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng. Giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân Đại Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và giữa các bộ, ngành tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, công an, tư pháp. Giao lưu hữu nghị giữa các địa phương diễn ra sôi động.

Hai bên ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về đào tạo cán bộ, quản lý lao động qua biên giới; nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch...

Hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước có tiến triển mới. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại và thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại và du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng. 9 tháng năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đạt 76,07 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).

Năm 2017, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 2,17 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016, lần đầu tiên là nhà đầu tư FDI lớn thứ tư trong năm của Việt Nam.

Tính lũy kế đến cuối tháng 9/2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 2.041 dự án, với số vốn đăng ký 12,78 tỷ USD, đứng thứ 7/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam. Năm 2017, hơn 4 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã vào Việt Nam. Chín tháng năm 2018, hơn 3,8 triệu lượt du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam du lịch, tăng 29,7% so với cùng kỳ.

Tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ, cơ bản ổn định, đường biên mốc giới được giữ vững, an ninh chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được bảo đảm. Hai bên phối hợp thực hiện tốt ba văn kiện về biên giới trên đất liền, công tác phối hợp quản lý biên giới trên đất liền tiếp tục được thúc đẩy và đạt tiến triển tích cực.

Tình hình Biển Đông tuy không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng trên thực địa, nhưng tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục duy trì trao đổi về vấn đề trên biển, nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt-Trung và các cơ chế đàm phán trên biển; kiên trì tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch

Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (China International Import Exposition - CIIE 2018) do Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Thương mại Thượng Hải chủ trì tổ chức lần đầu tiên, từ ngày 5-10/11/2018, tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam nên đã chọn Việt Nam là 1/12 quốc gia danh dự cho kỳ Hội chợ lần đầu tiên (châu Á có 3 quốc gia được lựa chọn là Việt Nam, Indonesia, Pakistan) trong tổng số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội chợ lần này.

Hội chợ sẽ diễn ra định kỳ hàng năm và là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của Chính phủ Trung Quốc với mục tiêu mở cửa thị trường Trung Quốc ra thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng như quá trình toàn cầu hóa.

Hội chợ gồm Khu trưng bày các gian hàng quốc gia và Khu triển lãm doanh nghiệp. Khu trưng bày các gian hàng quốc gia giới thiệu các thành tựu thương mại, đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, công nghiệp, du lịch cũng như các sản phẩm mang tính đại diện, đặc trưng của quốc gia tham dự.

Khu triển lãm doanh nghiệp dành cho các doanh nghiệp trưng bày hàng hóa, dịch vụ để tìm kiếm đối tác kinh doanh và đầu tư, có quy mô trên 210.000m2. Khu vực thương mại hàng hóa với 6 ngành hàng chính: thiết bị công nghệ thông minh, điện tử gia dụng, công nghiệp xe hơi, phụ kiện, hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, thiết bị y tế và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Khu vực thương mại dịch vụ dành cho 5 lĩnh vực: du lịch, công nghệ mới nổi, văn hóa, giáo dục, thiết kế sáng tạo và dịch vụ thuê mua.

Hội chợ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiếp nhận đăng ký của hơn 150.000 khách tham quan, giao dịch tại Hội chợ là các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại lý phân phối của Trung Quốc và quốc tế khác.

Việc Việt Nam tham gia Hội chợ là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch hiệu quả.

Đối với Việt Nam, trong vai trò là cửa ngõ của ASEAN, trong quá trình thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, cầu nối giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN và Trung Quốc, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng giúp tăng cường liên kết với các nước trong khu vực, khai thác tối đa lợi ích do Khu vực tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc đem lại, đồng thời tăng cường xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước ASEAN cũng như của các nước ASEAN sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của Việt Nam.

Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 cũng là dịp quảng bá thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tới Trung Quốc và các nước trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thị trường, mở rộng kinh doanh. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, giúp nền sản xuất Việt Nam từng bước chiếm lĩnh những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.


TTXVN/VIETNAM+

  • Tổng số lượt xem: 843
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)