Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/11/2018-08:22:00 AM
Tăng cường hợp tác song phương sau 10 năm thực thi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Xem tin ảnh)
(MPI) – Đây là chủ đề của Diễn đàn nghiêu cứu Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Quỹ quốc tế Toshiba (TIFO), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trường Chính sách công – Đại học Tokyo diễn ra ngày 15/11/2018, tại Hà Nội.

Viện trưởng CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Diễn đàn.

Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Viện trưởng CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Cung cho biết, trong 45 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển. Đặc biệt, Việt Nam - Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009 và nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2014. Trên các diễn đàn quốc tế, trong đó có Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Nhật Bản và Việt Nam cũng duy trì đối thoại, hợp tác hiệu quả để thúc đẩy những vấn đề kinh tế khu vực mà hai nước cùng quan tâm. Đặc biệt, thành công của Việt Nam với tư cách chủ nhà APEC 2017 có sự ủng hộ rất lớn từ các đối tác, trong đó có Nhật Bản. Hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư chính là một trong những điểm sáng quan trọng nhất của hai nước. Nhật Bản luôn là một trong những thị trường xuất khẩu và đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam có môi trường ổn định, thuận lợi, gắn kết cho nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư ở Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển trong 10 năm qua, đặc biệt là sau khi hai nước ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật bản là thành viên năng động nhất ở khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, hai nước cần nhìn rộng hơn về lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư song phương để có những hành động chung phù hợp với bối cảnh mới ở thế giới và khu vực.

Tại Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia cao cấp cho rằng, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Để tăng cường liên kết, Việt Nam cần tạo nền tảng, vượt bẫy thu nhập trung bình, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào năng suất, sáng tạo, hội nhập sâu rộng “đa phương hóa, đa dạng hóa”, dịch chuyển chính sách thu hút FDI. Theo đó, cần tối ưu hóa chất lượng FDI gắn với tác động lan tỏa công nghệ, kỹ năng và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…

Việt Nam và Nhật Bản làm thế nào để tăng cường liên kết, hợp tác xây dựng trật tự khu vực ổn định là vấn đề được GS. Mie Oba, Đại học Khoa học Tokyo trao đổi tại Diễn đàn. Theo GS. Mie Oba, hai nước cần tận dụng các cơ hội do Hiệp định CPTPP, hiệp định đối tác toàn diện khu vực, hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản mang lại. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết, quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản nổi lên như một nét đặc trưng kể từ năm 2008. Điều này được thể hiện qua việc hai nước ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (năm 2008); Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2009); Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2014) và các tuyên bố khác nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Trong những năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm hai quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam (vị trí dẫn đầu cuối năm 2017 và vị trí thứ hai kể từ đầu năm 2018). Trước đây, đầu tư của Nhật Bản tập tung chủ yếu ở các ngành chế biến, chế tạo. Thời gian gần đây, Nhật Bản gia tăng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, hợp tác Việt Nam với Nhật Bản góp phần cải thiện năng lực sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam thông qua xuất khẩu trực tiếp. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa đối với các doanh nghiệp trong nước, gắn kết vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại… Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn dư địa để cải thiện liên kết giữa doanh nghiệp hai nước. Do đó, Việt Nam cần chủ động hơn và cần thay đổi tư duy khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, cần hợp tác theo cơ chế đa phương để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho đầu tư, duy trì đối thoại liên tục và thực chất về các vấn đề liên quan đến đầu tư như: Cải cách môi trường kinh doanh, nhu cầu nâng cao năng lực của Việt Nam, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế tại Việt Nam…

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các vấn đề: Hiện trạng và những vấn đề trong quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2008; Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trên phương diện kinh tế chính trị; Những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2008; Các sáng kiến và biện pháp hỗ trợ nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Nhật Bản… Từ đó, đưa ra được những góc nhìn thực tế, cụ thể của các chuyên gia về phát triển, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4871
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)