(MPI) – Ngày 21/11/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP |
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, một số địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị.
Theo đánh giá chung của Bộ Tài chính, cổ phần hóa là giải pháp quan trọng nhằm sắp xếp, cơ cấu lại DNNN. Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, Tuy nhiên, quá trình đổi mới DNNN thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Tài chính, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017. Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, có một số doanh nghiệp tỉ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt.
Về kế hoạch thoái vốn, đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn mà theo kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 5 vấn đề về các giải pháp thúc đẩy đổi mới, cơ cấu lại DNNN, tập trung là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong đó, về vai trò và vị trí của DNNN trong phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đi đôi với các giải pháp về tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn, cần hình thành nên các ngành công nghiệp có tính chất dẫn dắt, nền tảng, đột phá, có tính chủ đạo để cùng thành phần kinh tế tư nhân đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, DNNN đang thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn với định hướng: DNNN chỉ làm những gì mà khu vực kinh tế tư nhân không làm được hoặc không muốn làm như quốc phòng, an ninh; độc quyền tự nhiên; các hạ tầng lớn cho xã hội và các dịch vụ công ích thiết yếu,… Mặt khác, việc xác định cho được các ngành công nghiệp mang tính nền tảng, tính dẫn dắt, tạo động lực phát triển đất nước trong tương lai cần phải được nghiên cứu và triển khai tích cực, đồng bộ nhằm tận dụng được những cơ hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, DNNN cần thực hiện đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao hiệu suất lao động và tạo thêm sản phẩm, dịch vụ mới. Do đó, nhiệm vụ này cần được các tập đoàn, tổng công ty lớn nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức trong tương lai để định hình được chiến lược phát triển của mình khi mà khoa học công nghệ đang thay đổi một cách nhanh chóng.
Thứ hai, về triển khai tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa DNNN trong bối cảnh hiện nay, khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, việc chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty với nhiều nhóm ngành đã hoàn thành, thì cách tiếp cận tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể chỉ đặt riêng lẻ cho từng doanh nghiệp mà phải có cách tiếp cận theo nhóm ngành hoặc theo chuỗi các sản phẩm để có thể tận dụng được các thế mạnhcủa các tập đoàn, tổng công ty lớn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là nhiệm vụ mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải nghiên cứu, có đề xuất mang tính chiến lược để thực sự thay đổi được phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty lớn này.
Thứ ba, về giải quyết các DNNN yếu kém, các dự án hoạt động không hiệu quả, nhìn chung, mặc dù nắm giữ nguồn lực quan trọng của quốc gia nhưng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối DNNN chưa có nhiều đột biến, thậm chí làm mất vốn và gây ra những hậu quả không mong muốn như trường hợp của Vinashin, Vinalines hay các dự án không hiệu quả của ngành công thương. Do vậy, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, không kéo dài gây lãng phí nhân lực, vật lực. Việc xử lý các vấn đề này cần phải tiếp cận theo hướng thị trường trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, dự án khi thực hiện chuyển nhượng hoặc thanh lý; Đánh giá đúng bản chất của sự việc và giải quyết theo nhóm vấn đề, có sự bổ trợ cho nhau để đảm bảo có tính khả thi hơn trong thực tiễn.
Thứ tư, vấn đề thay đổi quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN sau khi thực hiện cổ phần hóa, đa sở hữu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài việc cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hoá thì cũng cần có đánh giá về chất lượng của phương án cổ phần hoá, thoái vốn trong thời gian qua. Đặc biệt, cần xem xét lại cách tiếp cận và quá trình thực hiện tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài để có thể thực sự tìm kiếm được nhà đầu tư nhằm phát triển doanh nghiệp theo định hướng, chiến lược chứ không chỉ là nhà đầu tư tài chính thông thường. Bên cạnh đó, cần thực hiện quản trị chuyên nghiệp hóa DNNN, sử dụng cơ chế quản lý dựa trên hiệu quả hoạt động, cần xây dựng vai trò, nhiệm vụ, chức năng, chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) cho từng vị trí trong tổ chức từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất.
Cuối cùng, về người điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Tổng Giám đốc điều hành cần phải là người chuyên nghiệp, có cơ chế tuyển chọn và trả lương theo thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cần dần hình thành thị trường các Giám đốc/Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp chuyên nghiệp xứng tầm khu vực và quốc tế để đảm bảo rằng DNNN được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại, công khai, minh bạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu các yêu cầu cụ thể đặt ra đối với các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Đó là cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hóa ngay cả doanh nghiệp có hiệu quả để thu hút vốn xã hội, nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng. Chống “đi đêm” trong cổ phần hóa.
Đối với các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa vì lý do khách quan, cần kịp thời báo cáo để xem xét, giải quyết. xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi ngay các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa, thoái vốn, các quy định về quản lý tài chính, tiền lương, đăng ký, niêm yết; quyền và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đại diện chủ sở hữu… “Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách để thực hiện; trường hợp có vướng mắc thì phải rà soát, đề xuất, sửa đổi ngay. Đồng thời, phải thực thi nghiêm pháp luật; không để có lỗ hổng pháp lý và tái diễn những vi phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn”.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31/12/2018.
Nhấn mạnh về công tác nhân sự, bố trí cán bộ tại các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các cán bộ, lãnh đạo quản lý và người đại diện vốn Nhà nước có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, “bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”. Kiên quyết không để tình trạng "sân trước, sân sau"./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư