(MPI) – Ngày 16/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo phổ biến Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/03/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đồng thời, giới thiệu những nội dung chính của dự thảo Thông tư hướng dẫn thay thế Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT ngày 08/8/2016 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP.
|
Ông Lưu Quang Khánh (phải), Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI |
Trình bày về những nội dung chính của Nghị định 132/2018/NĐ-CP, Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định quy định về lĩnh vực ưu tiên và nguyên tắc sử dụng vốn/áp dụng cơ chế tài chính; Đề xuất dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; Chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại; Ký kết Điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Quản lý dự án; Lập, thẩm định, phê duyệt, giao, thực hiện và điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Quản lý tài chính.
Theo Nghị định, các quy trình, thủ tục được tách thành hai nhóm dự án chính, gồm: Chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại theo chủ trương đầu tư dự án; Dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại theo Chủ trương thực hiện dự án, phi dự án.
Về phần đề xuất dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, Cơ quan chủ quản xây dựng đề xuất dự án theo Phụ lục II tại Khoản 48 Điều 1 của Nghị định, sau đó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án. Theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đánh giá 5 tiêu chí, gồm: Sự cần thiết phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Sơ bộ tính khả thi, phù hợp với định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi và chính sách, định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Hiệu quả kinh tế, xã hội, tác động môi trường; Phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; Tác động của chương trình, dự án đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn). Bộ Tài chính đánh giá 3 tiêu chí, gồm: Xác định thành tố ưu đãi; Đánh giá tác động của khoản vay ODA và vay ưu đãi đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công; Xác định cơ chế tài chính trong nước trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án.
Về chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng ODA không hoàn lại, đây là quy trình thủ tục hoàn toàn mới . Theo đó, Văn kiện dự án, phi dự án là thứ duy nhất mà cơ quan chủ quản phải lập theo Phụ lục VII, VIII, X của Nghị định 16/2016/NĐ-CP. Theo quy định tại Nghị định 132/2018/NĐ-CP, nếu dự án, phi dự án ≥ 3tr USD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét, tổng hợp ý kiến các cơ quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án, phi dự án. Nếu dự án, phi dự án ≤ 3tr USD, cơ quan chủ quản chủ trì thẩm định Văn kiện dự án, phi dự án bằng hình thức tổ chức Hội nghị thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan (lưu ý phi dự án có tổng ODA ≤ 200.000 USD không bắt buộc phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan).
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Nhằm cập nhật, bổ sung các quy định mới trong hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 132/2018/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT. Dự thảo Thông tư được ban hành nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện cả Nghị định 132/2018/NĐ-CP và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP. Đồng thời, tối đa hóa sự nhất quán các nội dung được quy định tại các luật và nghị định có liên quan.
Theo dự kiến, dự thảo Thông tư tập trung vào các quy trình, thủ tục chuẩn bị dự án theo các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi khác; Quản lý và thực hiện dự án; Công tác kế hoạch và cách thức thể hiện trong cách kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;… Đặc biệt, Dự thảo cung cấp các mẫu biểu và tận dung tối đa lợi thế ứng dụng công nghệ thông tin thông qua Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư.
Tại Hội thảo, các đại biểu là đại diện các bộ, ngành trung ương, các địa phương khu vực phía Bắc và các nhà tài trợ nước ngoài đã trao đổi, thảo luận nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ngày càng đạt hiệu quả hơn./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư