(MPI) – Ngày 19/11/2018, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với Đoàn doanh nghiệp bang Saxony do Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Lao động và Giao thông bang Saxony kiêm Phó Thủ hiến bang Saxony, CHLB Đức Martin Dulig làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Martin Dulig tại buổi làm việc.
Ảnh: MPI
|
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Martin Dulig cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành thời gian đón tiếp Đoàn, đồng thời cho biết, mục đích chuyến công tác của Đoàn nhằm tìm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, qua đó góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác Việt Nam - CHLB Đức. Với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp tục tăng trưởng bền vững. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần có những đối tác vững mạnh và CHLB Đức nói chung và bang Saxony nói riêng sẵn sàng cho vai trò này. Bang Saxony có thế mạnh về lĩnh vực chế tạo máy, công nghiệp ô tô và mong muốn được góp phần tích cực vì sự phát triển phồn thịnh của Việt Nam, Bộ trưởng Martin Dulig nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn doanh nghiệp bang Saxony trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, các giải pháp hệ thống kỹ thuật an toàn đường sắt, công nghệ bảo quản thực phẩm lạnh, dệt may, chế tạo máy, sản xuất dây cáp,… đã giới thiệu về ngành nghề kinh doanh cũng như mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Hoan nghênh cá nhân Bộ trưởng Martin Dulig cũng như các thành viên của Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những thông tin trao đổi, chia sẻ thể hiện sự quan tâm đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Điều này được xuất phát từ mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu năm và hiện đang ở giai đoạn rất tốt đẹp giữa hai nước.
CHLB Đức là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Âu, đồng thời là đối tác lớn trong thương mại và đầu tư của Việt Nam. Chính phủ và Nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và biết ơn những hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua nguồn ODA và viện trợ không hoàn lại. Hỗ trợ của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam không chỉ bằng nguồn lực mà bằng tri thức, kinh nghiệm quý báu, công nghệ, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam. Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - CHLB Đức đạt khoảng 10 tỷ USD. Đầu tư của doanh nghiệp Đức vào Việt Nam đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả này còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai nước.
Thông tin về môi trường đầu tư tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tầm vóc và vị thế được nâng cao trong khu vực và thế giới với dân số gần 100 triệu dân, nằm ở khu vực trung tâm ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng. Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do và trở thành mắt xích quan trọng của mạng liên kết kinh tế với 55 quốc gia. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là cơ hội lớn để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn và là nền tảng quan trọng để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Đức.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với CHLB Đức trong ngành công nghiệp ô tô, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo… Đối với ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam mong muốn bang Saxony xây dựng kế hoạch cụ thể đối với Việt Nam về ngành này. Đồng thời mong muốn Chính phủ Đức nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Đức nói riêng tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển giao công nghệ và tận dụng những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này góp phần đưa mối quan hệ Việt Nam - CHLB Đức ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư