I. Về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
1. Tình hình thu hút ĐTNN 11 tháng năm 2018
1.1. Tình hình hoạt động
Vốn thực hiện:
Trong 11 tháng đầu năm 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Tình hình xuất, nhập khẩu
Xuất khẩu: Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 160,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 158,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 130,1 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 60% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 30,1 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 28,1 tỷ USD không kể dầu thô.
1.2. Tình hình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2018, cả nước có 2.714 dự án mới được cấp GCNĐKĐT với tổng vốn đăng ký cấp mới là 15,78 tỷ USD, bằng 79,7% so với cùng kỳ năm 2017; có 954 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,4 tỷ USD, bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong 11 tháng năm 2018, cả nước có 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,6 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2017.
Tính chung trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo lĩnh vực đầu tư
Trong 11 tháng năm 2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 14,2 tỷ USD, chiếm 46,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,1 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Theo đối tác đầu tư
Trong 11 tháng năm 2018 có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là gần 8 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,8 tỷ USD, chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,1 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư...
Theo địa bàn đầu tư
Trong 11 tháng năm 2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,3 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 5,6 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,49 tỷ USD chiếm 8% tổng vốn đầu tư...
Một số dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 11 tháng năm 2018
- Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 14/7/2018 Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
- Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 30/5/2018 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do HYOSUNG CORPORATION (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 07/03/2007 do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.
- Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 01/9/2016 với mục tiêu Sản xuất mô đun Camera điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD vào ngày 23/2/2018.
- Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), cấp phép ngày 15/4/2016 tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD vào ngày 9/8/2018.
2. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới tháng 11 năm 2018
Tính lũy kế đến ngày 20/11/2018, cả nước có 27.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 337,8tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 188,8 tỷ USD, bằng 55,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
- Theo lĩnh vực: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 193,6 tỷ USD, chiếm 57,3% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 57,9 tỷ USD (chiếm gần 17,1% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 22,8 tỷ USD (chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư).
- Theo đối tác đầu tư: đã có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 62,2 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 56,4 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.
- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44,9 tỷ USD (chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Hà Nội với 33 tỷ USD (chiếm 9,7 % tổng vốn đầu tư), Bình Dương với 31,4 tỷ USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư).
3. Nhận định về xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới
Chính sách thương mại Mỹ - Trung căng thẳng như hiện nay sẽ có khả năng ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Việc Hoa Kỳ áp thuế với Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Với ưu thế về vị trí địa lý, chính sách, Việt Nam có thể sẽ là ưu tiên khi Trung Quốc chuyển hướng đầu tư. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam bởi cùng với xu hướng chuyển dịch đầu tư nêu trên, Việt Nam cần có đối sách thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư, đảm bảo có chọn lọc, tránh việc lợi dụng nhằm lẩn tránh thuế hoặc dẫn tới Việt Nam cũng bị áp thuế như đã xảy ra ở ngành thép, ảnh hưởng không chỉ tới các doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam mà với cả các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác của Việt Nam.
II. Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài
Trong 11 tháng năm 2018, cả nước có 125 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 303,5 triệu USD; có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 54 triệu USD. Tính chung trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 357,5 triệu USD.
Trong 11 tháng năm 2018, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với 68,4 triệu USD và chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với 50,9 triệu USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Trong 11 tháng năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 97,6 triệu USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ 2 với 52,7 triệu USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư. Với 1 dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,9 triệu USD, Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 10% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar./.
File đính kèm: FDI_11.2018.xls
Cục Đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư