Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/10/2018-10:23:00 AM
Tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 tỉnh Hưng Yên

1. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản
a. Trồng trọt
Cây hàng năm:
Sản xuất vụ Mùa: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa đạt 39.643 ha, giảm 4,05% so với cùng kỳ năm 2017 (giảm 1.671 ha). Diện tích gieo trồng một số loại cây trồng chính như sau: lúa mùa đạt 33.001 ha, giảm 5,62% (giảm 1.964 ha); ngô 1.619 ha, tăng 2,32% (tăng 36,79 ha); đậu tương 359 ha, giảm 9,07%.
Diện tích gieo trồng lúa giảm là chủ yếu, nguyên nhân do một số hộ dân đã chuyển diện tích đất lúa sang mô hình trồng các loại cây lâu năm (nhãn, chuối, cam...), cây hàng năm khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao; nhượng đất cho xây dựng doanh nghiệp, làm kinh tế trang trại,... Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi đất trồng từ cây hàng năm sang cây ăn quả lâu năm diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi vụ, diện tích gieo trồng sụt giảm do chuyển từ cây hàng năm sang cây ăn quả khoảng hơn một nghìn ha.
Vụ mùa năm nay, thời tiết cơ bản thuận lợi, mặc dù trong tháng 7 và tháng 8 có vài đợt mưa dài diễn ra trên diện rộng, song không ảnh hưởng nhiều đến năng suất, sản lượng một số cây trồng chính. Ước tính năng suất một số loại cây trồng như sau: Năng suất lúa mùa năm 2018 sơ bộ đạt 57,60 tạ/ha, tăng 4,57 tạ/ha; năng suất ngô 60,51 tạ/ha, tăng 0,65 tạ/ha; năng suất đậu tương 24,20 tạ/ha, tăng 0,45 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2017.
Sản lượng sơ bộ một số loại cây trồng: Lúa mùa đạt 190.077 tấn, tăng 2,51% (tăng 4.660 tấn); ngô 9.800 tấn, tăng 3,44% (tăng 326 tấn); đậu tương 870 tấn, giảm 7,35% (giảm 69 tấn) so với cùng kỳ năm 2017.
Ước tính 9 tháng năm 2018, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 92.523 ha, giảm 5,44% (giảm 5.321 ha) so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Diện tích gieo trồng lúa 66.399 ha, giảm 5,65% (giảm 3.973 ha); ngô 6.926 ha, giảm 900 ha (giảm 11,50%); cây lấy củ có chất bột 526 ha, giảm 10,81% (giảm 64 ha); cây công nghiệp hàng năm 1.942 ha, giảm 17,89% (giảm 423 ha), trong đó: lạc 842 ha, giảm 4,51% (giảm 40 ha); đậu tương 1.087 ha, giảm 25,83% (giảm 379 ha); cây rau, đậu, hoa, cây cảnh 15.585 ha, tăng 0,75% (tăng 116 ha), trong đó: rau các loại 12.939 ha, tăng 1,68% (tăng 214 ha); đậu các loại 790 ha, giảm 22,11% (giảm 224 ha); diện tích hoa, cây cảnh 1.856 ha, tăng 7,31% (tăng 126 ha); cây gia vị, dược liệu hàng năm 755 ha, giảm 233 ha (giảm 23,60%); hàng năm khác 391 ha, tăng 156 ha (tăng 66,58%).
Năng suất một số cây trồng như sau: Lúa 62,56 tạ/ha, tăng 3,08 tạ/ha; ngô 59,74 tạ/ha, tăng 1,09 tạ/ha; khoai lang 153,78 tạ/ha, tăng 1,92 tạ/ha; lạc 34,93 tạ/ha, tăng 1,14 tạ/ha; đậu tương 21,41 tạ/ha, tăng 1,01 tạ/ha; rau các loại 234,06 tạ/ha, tăng 5,89 tạ/ha; đậu các loại 18,79 tạ/ha, tăng 0,05 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2017.
Sản lượng một số cây trồng như sau: Lúa 415.420 tấn, giảm 0,76% (giảm 3.165 tấn); ngô 41.372 tấn, giảm 9,86% (giảm 4.528 tấn); khoai lang 6.859 tấn, giảm 12,06% (giảm 941 tấn); lạc 2.942 tấn, giảm 1,28% (giảm 38 tấn); đậu tương 2.382 tấn, giảm 22,14% (giảm 662 tấn); rau các loại 302.850 tấn, tăng 12.493 tấn (tăng 4,30%); đậu các loại 1.484 tấn, giảm 21,89 % (giảm 416 tấn) so với cùng kỳ năm 2017.
Theo báo cáo tiến độ sản xuất đến ngày 19/9, trên đồng ruộng đang xuất hiện một số loại sâu bệnh hại lúa như: rầy nâu, rầy lưng trắng (diện tích nhiễm 4.450 ha); bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn (diện tích nhiễm 1.975 ha). Cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa từ nay đến hết vụ. Bên cạnh việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, nông dân cần gạn tháo nước trên những diện tích lúa bước vào giai đoạn đỏ đuôi-chín và thu hoạch nhanh gọn lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Cây lâu năm: Cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các loại cây ăn quả (không có cây công nghiệp). Chín tháng đầu năm 2018, ước tính diện tích hiện có các loại cây lâu năm đạt 12.310 ha, tăng 14,11% (tăng 1.522 ha) so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, diện tích cây ăn quả ước đạt 11.911 ha, tăng 1.515 ha (tăng 14,58%). Một số cây ăn quả có diện tích tăng cao so với cùng kỳ năm 2017 như: Cây nhãn 4.469 ha, tăng 14,48% (tăng 565 ha); cây cam 1.662 ha, tăng 10,58% (tăng 159 ha); cây chuối 2.290 ha, tăng 8,55% (tăng 180 ha); cây ổi 585 ha, tăng 93 ha, tăng 18,79%; cây bưởi 1.288 ha, tăng 283 ha, tăng 28,17%.
Năm nay, thời tiết thuận lợi cho quá trình ra hoa, đậu quả của một số loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam... Vì vậy, năng suất, sản lượng của các loại cây ăn quả cao hơn so với năm trước. Ước tính sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu trong 9 tháng đầu năm như sau: Sản lượng nhãn đạt 41.500 tấn, tăng 10.773 tấn (tăng 35,06%); chuối đạt 39.700 tấn, tăng 3.047 tấn (tăng 8,31%); ổi đạt 7.750 tấn, tăng 979 tấn (tăng 14,46%); sản lượng đu đủ đạt 2.830 tấn, tăng 363 tấn, (tăng 14,71%); sản lượng cam đạt 19.150 tấn, tăng 1.800 tấn, tương ứng tăng 10,37%;... so với cùng kỳ năm 2017.
b. Chăn nuôi
Từ đầu năm đến nay, công tác tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được triển khai thường xuyên, đồng bộ và kịp thời nên không có địa phương nào xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, bệnh tai xanh ở lợn. Có thể nói công tác phòng chống dịch bệnh đã được triển khai tốt, có hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi nâng cao hiểu biết, ý thức phòng dịch hơn chống dịch, chăn nuôi bền vững và an toàn hơn.
Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2018 và so với cùng kỳ năm 2017 như sau: Sản lượng thịt trâu 202 tấn, tăng 1,51%; sản lượng thịt bò 2.402 tấn, tăng 2,30%; sản lượng thịt lợn (không tính lợn sữa) 81.257 tấn, tăng 1,46%; sản lượng thịt gia cầm 21.179 tấn, tăng 3,42% (trong đó: thịt gà 16.579 tấn, tăng 3,69%). Hiện nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng trở lại (từ 50.000-52.000 đồng/kg), song người chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Chỉ có các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tái đàn với số lượng hạn chế, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không tái đàn hoặc nếu có thì số lượng rất ít.
c. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh đạt 5.430 ha, chủ yếu là nuôi thâm canh và bán thâm canh, tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng thủy sản ước đạt 31.075 tấn, tăng 5,79% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng 30.530 tấn, tăng 5,97%.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Chín tăng 11,88% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 23,75%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,86%; sản xuất và phân phối điện tăng 18,57%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,38%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 11,60%; thức ăn cho gia súc tăng 2,71%; thức ăn cho gia cầm tăng 9,57%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 14,01%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 17,56%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 13,90%; ống và đường ống bằng sắt, thép không nối khác tăng 10,06%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi tăng 6,35%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 12,56%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 20,49%; điện thương phẩm tăng 18,11%...
Chín tháng đầu năm 2018, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,88% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) giảm 24,26%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,87%; sản xuất và phân phối điện tăng 17,68%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,13%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 8,38%; thức ăn cho gia súc tăng 9,35%; thức ăn cho gia cầm tăng 9,37%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 13,13%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 14,35%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 14,0%; ống và đường ống bằng sắt, thép không nối khác tăng 16,47%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi tăng 6,87%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 10,34%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 5,42%; điện thương phẩm tăng 14,67%...
3. Hoạt động đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: Chín tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 22.341.841 triệu đồng, tăng 9,80% so với cùng kỳ năm 2017. Phân theo nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 1.639.441 triệu đồng, tăng 12,53%; vốn trái phiếu Chính phủ 754.399 triệu đồng, giảm 0,56%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước 550.088 triệu đồng, tăng 1,58%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực nhà nước) 129.341 triệu đồng, giảm 6,17%; vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (vốn tự có) 32.302 triệu đồng, giảm 30,10%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 11.784.125 triệu đồng, tăng 8,66%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7.169.448 triệu đồng, tăng 15,18%; vốn huy động khác 282.697 triệu đồng, giảm 16,03%.
Thực hiện vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng 9 ước đạt 195.030 triệu đồng, tăng 14,86% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 80.970 triệu đồng, tăng 2,31%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 55.830 triệu đồng, tăng 33,12%; vốn ngân sách cấp xã đạt 58.230 triệu đồng, tăng 19,55%.
Chín tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 1.493.141 triệu đồng, tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 683.686 triệu đồng, tăng 2,69%; vốn ngân sách cấp huyện 421.272 triệu đồng, tăng 26,18%; vốn ngân sách cấp xã 388.183 triệu đồng, tăng 23,11%.
Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 18/9/2018, toàn tỉnh có 413 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.258.226 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 21 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 115.841 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 152 dự án, vốn đăng ký là 2.791.665 nghìn USD, chiếm 65,56% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 122 dự án, vốn đăng ký 640.986 nghìn USD, chiếm 15,05% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 82 dự án, vốn đăng ký 451.353 nghìn USD, chiếm 10,60% tổng số vốn đăng ký.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a. Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trong tháng Chín ước đạt 2.633.164 triệu đồng, tăng 11,64% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.114.061 triệu đồng, tăng 10,98%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 140.364 triệu đồng, tăng 8,12%; doanh thu du lịch 660 triệu đồng, tăng 43,48%; doanh thu dịch vụ khác 378.080 triệu đồng, tăng 17,56%. Tính chung chín tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính 22.818.679 triệu đồng, tăng 11,05% so với cùng kỳ năm 2017.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa chín tháng đầu năm 2018 ước đạt 18.410.383 triệu đồng, chiếm 80,68% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 10,98% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,49%; hàng may mặc tăng 8,09%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 3,27%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 27,67%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,92%; ô tô các loại tăng 8,18%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 7,34%; xăng, dầu các loại tăng 12,49%; đá quý, kim loại quý tăng 31,95%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành chín tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 1.232.643 triệu đồng, chiếm 5,40% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 8,03% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 50.707 triệu đồng, tăng 7,92%; dịch vụ ăn uống 1.176.736 triệu đồng, tăng 7,98%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 5.200 triệu đồng, tăng 22,18%.
Doanh thu dịch vụ khác chín tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.175.654 triệu đồng, chiếm 13,92% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 12,60% so với cùng kỳ năm 2017.
b. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 2 lần vào các ngày 6/9/2018 và 21/9/2018. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 620 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 593 đồng/lít; dầu diezen tăng 440 đồng/lít; dầu hoả tăng 420 đồng/lít; dầu mazút tăng 199 đồng/kg. Giá gas trong nước tăng 10.000 đồng/bình 12 kg bắt đầu từ ngày 01/9/2018. Giá rau tươi, rau khô và rau chế biến tăng 8,19% do thời gian qua có mưa nhiều làm sản lượng rau giảm mạnh.... Đây là những biến động chính làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2018 tăng 0,31% so với tháng trước. Trong đó: Có 5/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,45%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,10%; giao thông tăng 0,98%; giáo dục tăng 1,80%. Có 2/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước, bao gồm: nhóm thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông. Có 4/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm: nhóm may mặc, mũ, nón, giày dép giảm 0,39%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%; văn hoá, thể thao, giải trí giảm 0,12%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,07%.
So với tháng 12/2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín năm nay tăng 2,88%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 6,68%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,24%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,44%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,40%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 6,22%; dịch vụ giao thông tăng 7,41%; bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; dịch vụ giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,16%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,25%.
So với tháng cùng kỳ năm 2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín năm nay tăng 4,43%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,38%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,24%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,44%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,60%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,60%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,08%; dịch vụ giao thông tăng 9,62%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,63%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,84%.
Bình quân chung chín tháng đầu năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 3,73%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,61%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,31%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,10%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 25,59%; dịch vụ giao thông tăng 8,75%; bưu chính, viễn thông giảm 0,76%; dịch vụ giáo dục tăng 3,47%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,40%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,88%.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Chín giảm 0,95% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.454.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,28% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.415 đồng/USD.
5. Hoạt động vận tải và viễn thông
a. Hoạt động vận tải
Vận tải hành khách tháng Chín ước đạt 1.357 nghìn lượt người vận chuyển và 75.020 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 20,94% về lượt người vận chuyển và tăng 17,65% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 57.219 triệu đồng, tăng 20,12%. Tính chung chín tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách ước đạt 10.733 nghìn lượt người vận chuyển và 632.814 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 12,86% về lượt người vận chuyển và tăng 11,0% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 477.218 triệu đồng, tăng 13,93%.
Vận tải hàng hoá tháng Chín ước đạt 2.756 nghìn tấn vận chuyển và 98.891 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 14,09% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 12,68% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 219.204 triệu đồng, tăng 13,36%. Tính chung chín tháng đầu năm 2018, vận tải hàng hóa ước đạt 22.019 nghìn tấn vận chuyển và 788.238 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 11,99% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 11,19% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.761.736 triệu đồng, tăng 12,07%.
b. Viễn thông
Trong tháng Chín, ước số thuê bao điện thoại tăng 2.200 thuê bao, nâng tổng số thuê bao hiện có đạt 128.043 thuê bao, trong đó thuê bao cố định 13.281 thuê bao, thuê bao di động trả sau 114.762 thuê bao. Số thuê bao internet trong tháng ước tăng 1.700 thuê bao, nâng tổng số thuê bao internet hiện có đạt 139.753 thuê bao.
6. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a. Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Chín ước đạt 969.454 triệu đồng, tăng 27,91% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 716.825 triệu đồng, tăng 34,90%; thuế xuất nhập khẩu 252.629 triệu đồng, tăng 11,50%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 19.394 triệu đồng, tăng 58,64%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 87.185 triệu đồng, tăng 51,75%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 224.813 triệu đồng, tăng 13,24%; thu lệ phí trước bạ 26.282 triệu đồng, tăng 55,87%; thu thuế thu nhập cá nhân 53.544 triệu đồng, tăng 53,69%; các khoản thu về nhà đất 265.769 triệu đồng, tăng 54,19%.
Tính chung chín tháng đầu năm 2018, thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.348.668 triệu đồng, tăng 6,76% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 6.050.000 triệu đồng, tăng 11,51%; thuế xuất nhập khẩu 2.298.668 triệu đồng, giảm 5,66%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 153.000 triệu đồng, giảm 10,54%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.190.000 triệu đồng, tăng 28,80%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.895.000 triệu đồng, giảm 15,40%; thu lệ phí trước bạ 210.000 triệu đồng, tăng 13,10%; thuế thu nhập cá nhân 560.000 triệu đồng, tăng 15,20%; các khoản thu về nhà đất 1.593.000 triệu đồng, tăng 49,41%; các khoản thu khác 159.000 triệu đồng, tăng 81,17%.
b. Chi ngân sách nhà nước
Tính đến ngày 21/9/2018, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 6.016.797 triệu đồng, đạt 68,99% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 2.026.965 triệu đồng, đạt 76,39% kế hoạch; chi thường xuyên 3.989.832 triệu đồng, đạt 65,75% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 368.169 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.469.171 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 419.000 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 84.911 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 315.828 triệu đồng; chi quản lý hành chính 940.048 triệu đồng; chi khác 368.468 triệu đồng.
c. Hoạt động ngân hàng
Tính đến 31/8/2018, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 70.961.387 triệu đồng, tăng 10,0% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 61.696.824 triệu đồng, tăng 10,14% và chiếm 86,94% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 54.419.278 triệu đồng, tăng 8,88% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 37.428.606 triệu đồng, tăng 9,49%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.990.672 triệu đồng, tăng 7,55%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 51.388.843 triệu đồng, tăng 7,74%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.030.435 triệu đồng, tăng 32,57%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.219.220 triệu đồng (chiếm 2,24% tổng dư nợ), tăng 68,08% so với thời điểm 31/12/2017.
7. Một số hoạt động xã hội
a. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội
Từ ngày 01/7/2017, thực hiện Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng (tăng 6,92%). Cũng từ 01/7/2018, thực hiện Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh tăng 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2018 đối với các 8 nhóm đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này. Các chính sách về tiền lương được thực hiện tốt là tiền đề trong việc ổn định đời sống của cán bộ, công chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã tổ chức thăm và trao tặng 70.566 suất quà của Chủ tịch nước và 71.075 suất quà của Tỉnh uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh tới các gia đình chính sách, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 và nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018).
Trong 9 tháng năm 2018, tỉnh đã chi trả trợ cấp xã hội (hàng tháng) cho 51.494 người với tổng số tiền trên 170 tỷ đồng; tiếp nhận thêm 38 đối tượng vào các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, tổng số đối tượng được nuôi dưỡng tập trung tại 5 cơ sở trợ giúp xã hội là 732 người.
Cũng trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ đột xuất, trao tặng quà, học bổng, bảo trợ cho trên 29 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.
2. Lao động việc làm
Trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm với gần 200 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gial; ban hành quyết định cho 4.020 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; toàn tỉnh đã tạo việc làm trong nước cho khoảng 14,5 nghìn người, đạt 76,3% kế hoạch (đạt 103,5% so với cùng kỳ năm 2017); xuất khẩu 2,6 nghìn lao động, đạt 76% kế hoạch (đạt 104% so với cùng kỳ năm 2017).
Đối với hoạt động đào tạo nghề: Toàn tỉnh tuyển sinh được 38.265 học sinh, sinh viên, đạt 82,3% kế hoạch đề ra (bằng 99,1% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó: Cao đẳng 2.192 người, đạt 81,2% kế hoạch; Trung cấp 2.285 người, đạt 81,6% kế hoạch; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 33.788 người, đạt 82,4% kế hoạch (Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho 980 lao động nông thôn, đạt 89% kế hoạch).
3. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hoá: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tốt các hoạt động thông tin cổ động, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhất là các hoạt động tuyên truyền chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện của đất nước, của địa phương.
Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày tại nhà trưng bày Bảo tàng và địa phương các chuyên đề như: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội và thành quả”, “Sức sống Trường Sa - Sắc màu tình nguyện”, “Cổ vật Hưng Yên năm 2018”, “64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Giáo dục Hưng Yên xưa và nay”, “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”, “73 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2018) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Trong 9 tháng năm 2018, đã đón gần 9.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng tỉnh, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các nhà truyền thống, tưởng niệm danh nhân trên địa bàn tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm, đã tổ chức 70 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có chương trình ca múa nhạc đêm giao thừa tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh; chương trình nghệ thuật phục vụ Đại hội Thể dục thể thao của tỉnh; chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; chương trình nghệ thuật hưởng ứng tháng hành động vì môi trường, ngày môi trường thế giới năm 2018.
Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh đã tổ chức 565 buổi chiếu phim tại Rạp và lưu động chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm của tỉnh, của đất nước.
Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở được duy trì thường xuyên phục vụ bạn đọc. Thực hiện tuyên truyền chào mừng, hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4. Thư viện tỉnh đã tổ chức 12 cuộc tuyên truyền giới thiệu, trưng bày sách; tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề, chủ đề: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phối hợp tổ chức Ngày hội sách và Văn hóa đọc tỉnh năm 2018 với chủ đề: “Sách với gia đình”.
Hoạt động thể thao
Thể thao quần chúng: Phong trào TDTT được duy trì và phát triển trong toàn tỉnh; các cấp, các ngành đã tổ chức hàng trăm lượt thi đấu, giao lưu TDTT và các trò chơi truyền thống. Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; chất lượng hoạt động TDTT quần chúng; phát triển phong trào TDTT trong cán bộ, CNVCLĐ, người cao tuổi, học sinh, sinh viên và trong lực lượng vũ trang. Tổ chức thành công lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Hưng Yên thứ VIII năm 2018.
Thể thao thành tích cao: tổ chức tốt công tác đào tạo, huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá, thải loại các vận động viên (VĐV), đồng thời tuyển chọn bổ sung thay thế ổn định quân số. Chuẩn bị tốt lực lượng VĐV tham dự các giải thể thao quốc gia và tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã tham gia 29 giải thể thao quốc gia, đạt 109 huy chương các loại, trong đó 26 huy chương Vàng, 30 huy chương Bạc và 53 huy chương Đồng. Đặc biệt, môn Bóng đá Nhi đồng giành được huy chương Bạc tại giải Bóng đá Nhi đồng toàn quốc. Có 33 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia, trong đó: 4 VĐV đạt Kiện tướng, 29 VĐV đạt Cấp I.
4. Giáo dục, đào tạo
Sáng ngày 5/9/2017, cùng với học sinh cả nước, hơn 293 nghìn học sinh các cấp học ở Hưng Yên phấn khởi tới trường dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Đầu năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Hưng Yên có:
Giáo dục mầm non
Tổng số có 188 trường mầm non với 3.126 nhóm, lớp, có 77.663 trẻ mầm non. So với năm học trước tăng 1 trường; tăng 104 nhóm, lớp; giảm 1.382 trẻ mầm non. Số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia 77 trường.
Giáo dục phổ thông
+ Giáo dục tiểu học: Có 167 trường, 3.331 lớp,110.858 học sinh. So với năm học 2017 -2018, số trường tiểu học giảm 3 trường (do trường Tiểu học Phùng Hưng A và trường Tiểu học Phùng Hưng B sáp nhập thành trường Tiểu học Phùng Hưng, trường Tiểu học Tân Dân A và trường Tiểu học Tân Dân B sáp nhập thành trường Tiểu học Tân Dân, trường Tiểu học Chí Tân sáp nhập với trường THCS Chí Tân thành trường phổ thông cơ sở (cấp 1+2)); tăng 177 lớp và tăng 8.057 học sinh. Khối giáo dục tiểu học có 133 trường đạt chuẩn quốc gia.
+ Giáo dục trung học cơ sở: Có 170 trường và 1 trường phổ thông cơ sở (cấp 1+2) mới thành lập, 1.915 lớp với 69.150 học sinh. So với cùng kỳ năm học 2017-2018, khối THCS có số trường giảm 1 trường, tăng 1 trường phổ thông cơ sở (cấp 1+2); tăng 49 lớp; tăng 4.224 học sinh so với cùng kỳ năm học 2017-2018. Khối THCS có 91 trường đạt chuẩn quốc gia.
+ Giáo dục trung học phổ thông: Có 36 trường (công lập 26 trường, ngoài công lập 10 trường) và 2 trường phổ thông (cấp 1+2+3), có 858 lớp với 33.206 học sinh. So với cùng kỳ năm học 2017 - 2018 thì năm nay số trường THPT giảm 1 trường, tăng 1 trường phổ thông (cấp 1+2+3); tăng 10 lớp, tăng 223 học sinh. Khối THPT có 19 trường đạt chuẩn quốc gia.
+ Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: Hiện có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 161 trung tâm học tập cộng đồng. Có 59 lớp bổ túc văn hóa trung học phổ thông với 2.406 học sinh.
Giáo dục chuyên nghiệp
Toàn tỉnh hiện có 6 trường đại học (trong đó 5 trường đại học đang hoạt động và 1 trường chờ Bộ GDĐT cấp phép hoạt động), 1 trường cao đẳng sư phạm, 1 trường trung cấp có đào tạo chuyên ngành giáo dục mầm non (trường Trung cấp Đông Đô).
Quy hoạch Khu Đại học Phố Hiến, tỷ lệ 1/2000 được hoàn thành, song số trường hoạt động và số sinh viên về học còn hạn chế. Đến nay, có 2 trường đại học đi vào hoạt động (Đại học Chu Văn An và Đại học Thuỷ Lợi), 2 trường đang chuẩn bị đầu tư xây dựng (Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam và Đại học Giao thông Vận tải).
5. Hoạt động y tế
Công tác giám sát dịch được thực hiện thường xuyên. Trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh không có dịch xảy ra. Bảo đảm chế độ trực dịch và báo cáo dịch theo đúng quy định. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm như: Tả, Viêm Não NBB, SD/SXH... không phát hiện trường hợp nào. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch khác xuất hiện lẻ tẻ tại các huyện. Phân phối vắc xin tiêm chủng mở rộng, vật tư theo kế hoạch cho y tế cơ sở triển khai tiêm chủng cho các cháu hàng tháng. Trong và sau tiêm chủng không có tai biến xảy ra. Số phụ nữ có thai được khám trên 3 lần trước khi đẻ đạt 98%, tỷ lệ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 100%.
Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tính đến ngày 31/8/2018, luỹ kế số người nhiễm HIV/AIDS là 1.670 người, trong đó: Số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống 841 người; số bệnh nhân tử vong do AIDS 829 người.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Tổ chức giám sát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu thực phẩm đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2018. Trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh Hưng Yên không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Trong tháng Tám, tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các mẫu thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm không đảm bảo chất lượng ATTP trên địa bàn tỉnh. Kết quả: Số cơ sở được lấy mẫu, giám sát 30 cơ sở; số mẫu thực phẩm chức năng được lấy 6 mẫu, đang chờ kết quả kiểm nghiệm. Làm việc với các cơ sở vi phạm về mẫu thực phẩm; xử lý vi phạm hành chính 9 cơ sở không đảm bảo ATTP với lỗi vi phạm: sản xuất, bán ra thị trường sản phẩm không phù hợp Quy chuẩn chất lượng. Số tiền phạt 9.750.000 đồng.
6. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/8/2018 đến ngày 16/9/2018, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 2 vụ cháy. Trong đó: 1 vụ cháy máy hút bụi ngày 18/8/2018 tại nhà xưởng công ty TNHH Linwood, thiệt hại tài sản 500 triệu đồng; 1 vụ cháy ngày 16/9/2018 tại Nhà máy Kết cấu thép phụ tùng ô tô của Công ty Cổ phần Cơ khí 120, thuộc Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam, làm 1 người bị thương, chưa thống kê được thiệt hại tài sản. Trong 9 tháng đầu năm 2018 (tính từ 16/12/2017 đến 16/9/2018), trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại tài sản 36.041 triệu đồng.
Vụ cháy xảy ra vào tối ngày 25/7 tại Công ty Nhựa Bắc Á và Chợ Gạo (thành phố Hưng Yên), hiện nay các cơ quan chức năng đã thống kê được thiệt hại về tài sản, ước tính thiệt hại 34.885 triệu đồng.
Từ ngày 16/8/2018 đến ngày 15/9/2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 17 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt 13 vụ với số tiền 135 triệu đồng, 4 vụ đang trong giai đoạn điều tra xác minh làm rõ. Trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 92 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 72 vụ, xử phạt 2.668 triệu đồng. Nguyên nhân vi phạm đa số là vi phạm gây ô nhiễm môi trường, việc xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường của các doanh nghiệp, vi phạm không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khai thác cát bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
7. An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/8/2018 đến 15/9/2018, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông (trong đó: 15 vụ tai nạn đường bộ, 1 vụ tai nạn đường sắt), làm chết 12 người, làm bị thương 13 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 4 vụ, tăng 33,33%; số người chết tăng 2 người, tăng 20,0%; số người bị thương tăng 6 người, tăng 85,71%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, làm chết 88 người, làm bị thương 93 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tai nạn tăng 7 vụ, tăng 5,93%; số người chết tăng 3 người, tăng 3,53%; số người bị thương bằng với cùng kỳ năm 2017./.


Cục thống kê Hưng Yên

    Tổng số lượt xem: 974
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)